Ăn cỗ, với người dân quê xưa, không chỉ là tham gia một bữa cơm tập thể trong làng. Yếu tố ăn (ẩm thực) tuy đóng vai trò chính nhưng không hẳn là quan trọng nhất. Ăn cỗ hoàn toàn khác với đánh chén, hoặc ăn cơm khách, mặc dù cũng là “ăn” và phải được “mời”.
Khác nhau trước hết về các món ăn.
Khi được mời tiệc, bạn sẽ không biết trước món gì sẽ được dọn ra. Đôi khi, bàn tiệc sẽ đầy ắp món ăn, hoặc chỉ gồm những món bạn yêu thích đã được gia chủ thăm dò trước. Có thể bữa ăn chỉ đơn giản là những món “cây nhà lá vườn” truyền thống, nhưng cũng có thể là tiệc theo phong cách Tây, Tàu, Thái… tùy vào sở thích và ngẫu hứng của người mời. Đồ uống thường được quyết định ngay tại bàn tiệc, với mục tiêu chung là tạo ra một bữa ăn thân mật, ngon miệng và đầy cảm xúc.
Ngược lại, khi đi ăn cỗ, đặc biệt là cỗ ở làng quê (cả xưa và nay), bạn hầu như biết trước những món chính, món phụ sẽ được bày trên mâm. Sự khác biệt chỉ nằm ở cách chế biến, bày biện và chất lượng thực phẩm. Đồ uống cũng được mặc định là rượu gạo, đựng trong chai có nút lá chuối, uống bằng chén không quá nhỏ nhưng cũng không quá to. Khi bia trở nên phổ biến, những chai rượu dần được thay thế bằng chai bia, nước ngọt, kèm theo thùng đá lạnh.
Khác nhau ở khách mời.
Một bữa chén, thường gói gọn trong vài mâm, với thực khách là những bạn thân, quen, hoặc có mối liên hệ thông qua gia chủ, phần nhiều có cùng quan điểm, sở thích về nhiều thứ hoặc đôi khi chỉ là một môn thể thao nào đó. Nhưng khách mời ăn cỗ thì có thể lên tới hàng ngàn, chỉ gia chủ biết, còn người cùng mâm, nếu không cùng làng, thì đa phần là xa lạ và những chuyện nói ra trong bữa cỗ chỉ mang tính giao tiếp hình thức là chính. Nghĩa là khi đứng dậy, người ta không cần nhớ mình đã nói và nghe gì. Thậm chí cảm giác về các món ăn cũng nhanh chóng bị xóa bỏ.
Khác nhau về tâm thế và tư thế thực khách.
Đi đánh chén, bạn không cần cầu kỳ quá trong trang phục, quà tặng, có thể mang theo đến sự bỗ bã, thân tình. Nhưng khi đi ăn cỗ thì phải tuân thủ quy ước chung, dù có thể bạn đã rất chán ghét. Người đến ăn cỗ luôn phải tự tạo ra sự trịnh trọng khác ngày thường từ trang phục, đầu tóc, đến cách ngồi, ăn, uống, giao tiếp… Tất cả đều mang tính nghi thức và rất dễ bị người khác soi từ các góc khác nhau nếu chả may bạn sơ suất. Nói khác đi, ăn cỗ không chỉ ăn, mà là thực hiện một “nghi lễ”, với hành động ăn làm trung gian.
Khác nhau trong ứng xử với miếng ăn.
Ngày nay, không ai còn chăm chăm lấy phần thức ăn mang về cho người thân khi đi dự tiệc. Nếu có, đó thường là ý tốt của gia chủ dựa trên mức độ thân thiết của mối quan hệ. Trên thực tế, thói quen khách hoặc chủ nhà mang thức ăn thừa về mới chỉ xuất hiện vài chục năm gần đây. Trước đó, hành động này bị coi là thiếu lịch sự. Tuy nhiên, việc lấy phần sau mỗi bữa cỗ, đặc biệt ở nông thôn thời xưa, lại mang trong mình nét văn hóa ứng xử đặc trưng.
Ngày nay, các bạn trẻ có thể cười và coi thường thói quen này. Thực tế, việc lấy phần đang dần mai một, chỉ còn tồn tại ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Nhưng vài chục năm trước, ở nông thôn Bắc Bộ, việc lấy phần sau mỗi bữa cỗ là một nét văn hóa đáng trân trọng. Phần thức ăn đó, thường là nắm xôi, vài miếng thịt gà hoặc thịt lợn thái mỏng, một quả chuối chín nẫu, vài miếng gan hoặc dồi lợn, được gói trong chiếc khăn vuông cũ kỹ hoặc khăn mùi-soa.
Nhiều người nghĩ rằng do đói khổ, người ta phải mang thức ăn về. Điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Nếu bỏ qua những định kiến về sự đói khổ, ta sẽ thấy hành động lấy phần còn chứa đựng nhiều giá trị đáng trân trọng.
Ở nông thôn xưa, ai thường được đi ăn cỗ mỗi khi làng có đám? Thường là những người cao tuổi và đàn ông, được coi là đại diện cho gia đình trước họ hàng, làng xóm. Họ đi ăn cỗ để trả nợ miệng, khi trước đã mời người khác thì nay được mời lại. Người đi ăn cỗ luôn ý thức rằng mình đang ăn vào phần của con cháu, những người ở nhà phải chắt chiu từng đồng để mình có tiền đi dự tiệc. Để phần nào giảm bớt sự áy náy, họ tìm cách mang về chút thức ăn cho con cháu.
Thức ăn mang về thường là những thứ ngon nhất, sạch nhất, có thể gói vào khăn. Đôi khi ngay từ đầu bữa cỗ, người ta đã thỏa thuận sẽ chia phần gì để không ai động đũa vào. Họ làm vậy để khi ngồi ăn có thể yên tâm, vì biết rằng con cháu đang mong ngóng mình mang quà về. Cuộc chờ đợi của những đứa trẻ có thể bắt đầu ngay từ lúc người lớn khăn áo chỉnh tề bước khỏi cửa. Ánh mắt chúng sáng lên trong niềm hạnh phúc khi chia nhau những món quà từ bữa cỗ.
Đây chính là điểm khác biệt giữa việc ăn tiệc đơn thuần và việc đi ăn cỗ với cả tấm lòng.
Thông báo chính thức: Ninh Bình Web (thuộc GiuseArt) không hợp tác với bất kỳ ai để bán giao diện Wordpress và cũng không bán ở bất kỳ kênh nào ngoại trừ Facebook và zalo chính thức.
Chúng tôi chỉ support cho những khách hàng mua source code chính chủ. Tiền nào của nấy, khách hàng cân nhắc không nên ham rẻ để mua phải source code không rõ nguồn gốc và không có support về sau! Xin cám ơn!