Tâm lý là gì? Phân loại các hiện tượng tâm lý

Bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi tâm lý là gì hay không? Mỗi con người chúng ta ai cũng có những tâm lý riêng và nó luôn gắn liền trong từng hoạt động. Trong từng hành động đó, chúng ta thể hiện cảm xúc ra bên ngoài và đó cũng gọi là tâm lý, ví dụ như tâm lý lo sợ, e thẹn và còn nhiều hơn thế nữa. 

1. Tâm lý là gì?

Nhiều người cho rằng, tâm lý là mong muốn, nhu cầu, cách cư xử của con người trước một việc nào đó. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì chưa bao hàm hết ý nghĩa của khái niệm “tâm lý là gì”. Tâm lý ngoài những yếu tố đó ra còn mang ý nghĩ rộng lớn hơn. Tất cả các hoạt động, sự vật, hiện tượng từ đơn giản đến phức tạp đều có tâm lý. Tâm lý tồn tại ngay cả khi bạn ngủ, nằm mơ, mộng du vì vậy khái niệm tâm lý là bao hàm vô vàn các hiện tượng.

Tâm lý tồn tại hằng ngày trong cuộc sống của mỗi người. Mỗi ngày, chúng ta phải lắng nghe, suy nghĩ và phân tích để đánh giá một sự vật, hiện tượng nào đó có ảnh hưởng như thế nào và có mối quan hệ ra sao với chúng ta. Đôi lúc, để đưa ra kết luận chính xác hơn, chúng ta phải tưởng tượng thêm những điều mà mình không thể nhìn thấy trực tiếp hoặc chưa nghe thấy bao giờ. Tất cả sự lắng nghe, quan sát, phân tích, tưởng tượng…đều là hiện tượng tâm lý. Chúng hợp thành lĩnh vực hoạt động nhận thức của con người.

Khi đã phân tích kỹ lưỡng và nhận thức rõ ràng về những sự việc đó, chúng ta sẽ tỏ thái độ với chúng. Tâm lý con người luôn đa dạng và phức tạo vì vậy mà tâm lý đó có thể vui, buồn, đau khổ hay tức giận…Những gì mà chúng ta thể hiện đều là cảm xúc thật của mình và điều này chính là đời sống tình cảm của con người.

Trong cuộc sống của chúng ta không thể tránh khỏi những khó khăn, nguy hiểm làm bản thân nản chí, đau khổ thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Những lúc như thế này, tâm lý chính là yếu tố quan trọng nhất để cho thấy ai là người thắng cuộc và ai sẽ là người từ bỏ. Hiện tượng tâm lý giúp chúng ta có thêm tinh thần và vượt qua những khó khăn để đạt được mục đích cuối cùng được gọi là hoạt động ý chí. Hãy lấy một ví dụ, bạn đặt mục tiêu cuối kỳ này phải đạt được danh hiệu học sinh giỏi mặc dù ngày thường điểm số của bạn không hề cao. Bạn bè bắt đầu cười đùa và khẳng định rằng đây là điều không thể. Bạn miệt mài học tập ngày đêm với niềm tin bản thân sẽ làm được và bỏ qua mọi định kiến. Tâm lý của bạn lúc này đang rất mạnh mẽ và quyết liệt và hoạt động của ý chí đã giúp bạn đạt được nguyện vọng.

Tâm lý không chỉ phản ánh thế giới bên ngoài mà có một hiện tượng tâm lý cao cấp hơn có thể phản ánh được chính mình, giúp ta hiểu rõ về thái độ, trách nhiệm của bản thân. Đây là ý thức và tự ý thức.

Như vậy, khái niệm “tâm lý là gì” rất rộng, nó là tất cả những hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc của con người và gắn liền với mọi hoạt động từ nhỏ đến lớn. Tâm lý con người là nhận thức, trí thức, tình cảm, ý chí đến tích cách, ý thức và tự ý thức về chính mình. Tâm lý cũng là nhu cầu, năng lực, cách đối nhân xử thế, hành vi và cả những định hướng giá trị của một người.

2. Phân loại các hiện tượng tâm lý

Có nhiều cách phân loại hiện tượng tâm lý.

Cách phân loại phổ biến: Cách phân loại này dựa vào thời gian tồn tại của chúng và vị trí tương đối của chúng trong nhân cách. Theo cách phân loại này, các hiện tượng tâm lý có ba loại chính:

+ Quá trình tâm lý là những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có mở đầu, diễn biến, kết thúc tương đối rõ ràng (như quá trình nhận thức, quá trình cảm xúc, quá trình ý chí…).

+ Trạng thái tâm lý là những hiện tượng tâm lý diễn biến không rõ mở đầu, kết thúc. Nó thường đi kèm với các quá trình tâm lý khác và đóng vai trò là nền cho các quá trình tâm lý đó (như trạng thái chú ý thường đi kèm với quá trình nhận thức; trạng thái do dự, lưỡng lự thường đi kèm với quá trình ra quyết định; căng thẳng, buồn bực, lo âu thường đi kèm với quá trình suy nghĩ…).

+ Thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, khó hình thành và khó thay đổi, tạo thành những nét riêng của nhân cách. Người ta thường nói đến bốn nhóm thuộc tính tâm lý cá nhân như: xu hướng, năng lực, tính cách, khí chất.

Các hiện tượng tâm lý này không tồn tại độc lập với nhau mà có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau. Mối qua hệ đó có thể được biểu diễn bằng sơ đồ sau:

Dựa vào chủ thể mang hiện tượng tâm lý, chúng ta có hai loại:

+ Hiện tượng tâm lý cá nhân. Chúng tồn tại trong mỗi cá nhân, do từng cá nhân tạo ra và điều khiển hoạt động của cá nhân đó, phản ánh hiện thực khách quan trọng hoạt động của cá nhân đó mà thôi.

+ Hiện tượng tâm lý xã hội do mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội tạo ra. Chúng điều hành những hành động, hoạt động tương đối giống nhau của cả nhóm người đó và phản ánh hiện thực khách quan bao hàm trong hoạt động này một cách tương đối giống nhau (như phong tục, tập quán, luận, truyền thống, tin đồn, mốt, thi đua…).

– Căn cứ vào mức độ tham gia của ý thức, chúng ta có bốn loại hiện tượng tâm lý xếp theo thứ tự từ thấp đến cao:

+ Hiện tượng tâm lý vô thức: là những hiện tượng tâm lý xảy ra mà không có sự tham gia điều khiển và giám sát của ý thức (có thể bao gồm: những hiện tượng tâm lý có tính chất bệnh lý như hoang tưởng, ảo giác…; những hiện tượng tâm lý xảy ra trong trạng thái ức chế của hệ thần kinh như ngủ mơ, thôi miên,…những hiện tượng tâm lý xuất phát từ bản năng như ăn, ngủ, vận động…)

+ Tiềm thức: là những hiện tượng tâm lý ban đầu là có ý thức, nhưng sau đó do được lặp đi lặp lại nhiều lần nên ý thức bị tiềm ẩn, không thể hiện rõ ràng nữa (như các hành động tự động hóa: thói quen, kỹ xảo…).

+ Hiện tượng tâm lý có ý thức: là những hiện tượng tâm lý xảy ra có sự tác động, điều khiển, chi phối của ý thức (cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, ý chí, tình cảm, niềm tin, lý tưởng…).

+ Siêu thức: là những hiện tượng tâm lý ban đầu là có ý thức, nhưng sau đó ý thức không kiểm soát nổi, nó vượt qua khỏi sự kiểm tra, giám sát của ý thức nhưng cao hơn ý thức (các hiện tượng bừng sáng ở các nhà bác học).

– Căn cứ vào sự biểu hiện của hiện tượng tâm lý, chúng ta có hai loại:

+ Các hiện tượng tâm lý sống động: là những hiện tượng tâm lý gắn liền và thể hiện trong cuộc sống và trong hoạt động hằng ngày của con người.

+ Các hiện tượng tâm lý tiềm tàng: những hiện tượng tâm lý được tích đọng và thể hiện trong các sản phẩm của hoạt động do bàn tay và khối óc con người tạo ra.