Rủi ro đạo đức (Moral hazard) là gì? Biện pháp phòng ngừa rủi ro đạo đức

Video moral hazard là gì

Rủi ro đạo đức (Moral hazard)

Định nghĩa

Rủi ro đạo đức trong tiếng Anh là Moral hazard. Rủi ro đạo đức là hiện tượng bên có nhiều thông tin hơn (biết chắc mình sẽ làm gì) thay đổi hành vi gây bất lợi cho bên kia.

Rủi ro đạo đức là vấn đề do thông tin bất cân xứng gây ra sau khi giao dịch đã xảy ra.

Các thuật ngữ liên quan

Thông tin bất cân xứng hay bất cân xứng thông tin (tiếng Anh: Asymmetric information) là một bên có nhiều thông tin hay hiểu biết hơn về một vấn đề, có những hành động gây tổn thất cho bên kia, và rộng hơn là cả xã hội.

Lựa chọn bất lợi (lựa chọn đối nghịch) và rủi ro đạo đức là hai hệ quả tiêu cực của vấn đề thông tin bất cân xứng.

Ví dụ của rủi ro đạo đức

Chẳng hạn sau khi bạn đã mua bảo hiểm tài sản, bạn có thể không có nhiều động cơ giữ gìn tài sản đó do nghĩ rằng nếu có hư hỏng, mất mát đã được công ty bảo hiểm bồi thường. Công ty bảo hiểm không có nhiều thông tin về việc bạn sẽ sử dụng tài sản đó như thế nào nên bạn có thể có những hành động đi ngược lại quyền lợi của công ty bảo hiểm.

Trên thị trường tài chính, rủi ro đạo đức có thể xảy ra khi người đi vay sẽ thực hiện một số hoạt động mà người cho vay không mong muốn.

Rủi ro đạo đức làm giảm khả năng khoản vay sẽ được hoàn trả, do vậy có thể khiến người cho vay không muốn cho vay.

Rủi ro đạo đức có thể xảy ra trong các công ty cổ phần do sự tách biệt giữa chủ sở hữu vốn – các cổ đông và người quản lí doanh nghiệp – Ban giám đốc: người quản lí doanh nghiệp, do sở hữu một phần vốn rất nhỏ, hoặc thậm chí không sở hữu một phần vốn nào của doanh nghiệp, có thể hành động vì lợi ích cá nhân của họ hơn là lợi ích của các cổ đông sở hữu vốn.

Biện pháp phòng ngừa rủi ro đạo đức

Rủi ro đạo đức có thể được phòng ngừa như sau:

Một là, bên kém ưu thế về thông tin đưa ra các cam kết trừng phạt về rủi ro đạo đức có thể xảy ra trong hợp đồng giữa các bên giao dịch.

Điều này làm cho bên có ưu thế hơn về thông tin sẽ cân nhắc nguy cơ bị trừng phạt để rồi thấy lợi ích của việc mình thay đổi hành vi không bằng cái giá phải bỏ ra, từ đó không nảy sinh rủi ro đạo đức.

Hai là, tăng cường thu thập thông tin, tăng cường giám sát từ đó khắc phục tình trạng thông tin bất cân xứng.

(Tài liệu tham khảo: Trung gian tài chính, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)