Những hiểu biết về phương pháp điều trị đích

1. Điều trị đích là gì?

Điều trị đích hay liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted therapy) là một trong những phương pháp điều trị ung thư, sử dụng thuốc tác động vào gen hay protein chuyên biệt có ở tế bào ung thư liên quan đến sự phát triển khối u.Những hiểu biết về phương pháp điều trị đích

2. Sự khác biệt liệu pháp điều trị đích với hoá chất truyền thống?

– Liệu pháp điều trị đích tác động vào đích phân tử chuyên biệt liên quan đến sự hình thành và phát triển tế bào ung thư, trong khi hoá chất truyền thống tác động nhanh chóng vào cả tế bào bình thường (tế bào lành) và tế bào ung thư.

– Cơ chế điều trị đích tác động đến gen và protein chuyên biệt còn điều trị hoá chất đơn thuần tác động theo cơ chế gây độc và giết chết tế bào.

3. Các loại thuốc điều trị đích?

Hầu hết các loại thuốc điều trị đích gồm 2 loại:

-Thuốc phân tử nhỏ: dễ dàng được tế bào ung thư hấp thụ mà ít tác động đến các tế bào bình thường. Hầu hết thuốc loại này dùng theo đường uống.

– Kháng thể đơn dòng: là những protein gắn với đích đặc hiệu của tế bào ung thư mà không gắn với tế bào bình thường. Đa phần loại này sử dụng đường truyền tĩnh mạch.

4. Cơ chế tác động của liệu pháp điều trị đích?

– Tác động thụ thể hormon: ngăn chặn sự phát triển của các tế bào u nhạy cảm với hormon (các tế bào này cần hormon để phát triển được). Liệu pháp này được ứng dụng trong điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

– Ức chế con đường truyền tin: ngăn chặn hoạt động của phân tử tham gia vào quá trình truyền tín hiệu gây tăng sinh và phát triển tế bào u. Một trong số loại thuốc như tác động theo cơ chế này như Temsirolimus đã được cấp phép điều cho ung thư tế bào thận.

– Điều khiển biểu hiện gen làm giảm chức năng protein đóng vai trò kiểm soát biểu hiện gen ở mức ADN.

– Thúc đẩy chu trình “chết theo chương trình”: thuốc tác động đến các tế bào ung thư làm cho chúng “chết theo chương trình”. Chết theo chương trình (apoptosis) là một phương thức cơ thể loại bỏ các tế bào không cần thiết hoặc tế bào bất thường trong khi các tế bào ung thư có xu hướng lẩn tránh “chết theo chương trình”.

– Ức chế tăng sinh mạch: ngăn chặn sự phát triển các mạch nuôi khối u như Bevacizumab (Avastin).

– Gây độc tế bào ung thư: Kháng thể đơn dòng gắn với dược chất phóng xạ hoặc hoá chất gây độc làm chúng dễ được hấp thụ vào tế bào ung thư và gây chết tế bào.

5. Chỉ định điều trị đích trong những trường hợp nào?

– Mỗi loại ung thư sẽ có thuốc điều trị đích phù hợp.

– Một số ung thư như ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú….phải làm xét nghiệm xác định đột biến gen để quyết định bệnh nhân có phù hợp với điều trị đích không và phù hợp với loại thuốc nào.

6. Tác dụng phụ trong điều trị đích?

Mặc dù thuốc điều trị đích chủ yếu tác động đến các tế bào ung thư, ít ảnh hưởng đến tế bào bình thường nhưng vẫn có những tác dụng phụ. Hầu hết tác dụng phụ là tiêu chảy, viêm gan. Một số tác dụng khác:

– Tổn thương về da: đỏ da, khô da, biến đổi móng, mất sắc tố lông tóc

– Hình thành cục máu đông và chậm liền vết thương

– Cao huyết áp

– Một số thuốc đích ức chế miễn dịch và ảnh hưởng chức năng sinh sản.

7. Hạn chế của liệu pháp điều trị đích?

– Các tế bào ung thư trở nên kháng thuốc điều trị đích. Việc kháng điều trị này xảy ra theo 2 cách: thứ nhất, thuốc đích thay đổi tình trạng đột biến dẫn đến liệu pháp không còn hiệu quả. Thứ hai, chính các tế bào ung thư tìm phương thức mới để làm khối u tiếp tục phát triển không phụ thuộc vào “đích” đã được phát hiện trước đó.

Để khắc phục hiện tượng này thì cần phối hợp các liệu pháp đích tác động đến các con đường hình thành và phát triển ung thư khác nhau hoặc phối hợp với hoá chất.

– Chi phí của các thuốc điều trị đích hiện nay còn khá cao. Một số thuốc chưa được bảo hiểm chi trả hoặc chỉ được chi trả một phần.

8. Xét nghiệm nào được chỉ định trước khi điều trị đích?

Một số ung thư phải xác định tình trạng đột biến gen trước khi lựa chọn điều trị đích. Xét nghiệm phát hiện đột biến gen dựa trên các phương pháp sinh học phân tử và hoặc hoá mô miễn dịch (phát hiện sản phẩm protein đột biến).

– Phương pháp sinh học phân tử: phần lớn phương pháp này phát hiện đột biến gen đều dựa trên nguyên lý PCR. Phương pháp phát hiện đột biến gen mới hiện đại được áp dụng là phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing).

– Phương pháp hoá mô miễn dịch: dựa trên nguyên lý kháng nguyên- kháng thể phát hiện sản phẩm protein đột biến. Phương pháp này đang được áp dụng cho việc xác định tình trạng HER2 trong ung thư vú và ung thư dạ dày…

Điều trị đích trong ung thư phổi

Th.S Ngô Thị Minh Hạnh

Khoa Giải phẫu bệnh