Giản dị và đầy ý tưởng điên rồ. Đam mê, dám đánh đổi nhiều thứ để theo đuổi điều mình thích. Và sẵn sàng từ bỏ ngay khi cảm thấy không còn phù hợp. Đó chính là tính cách của PewPew (Hoàng Văn Khoa, SN 1991).
PewPew từng được gọi là “hoàng tử streamer”, lấp lánh hào quang của sự nổi tiếng. Nhưng PewPew chỉ nghĩ mình là một người lao động bình thường, sẵn sàng đi rửa xe, đánh giày, bán nước mía… miễn sao kiếm được tiền để nuôi sống bản thân và gia đình.
Từng tuyên bố giải nghệ, quay lại nghề cũ và cuối cùng vẫn nói lời chia tay với khán giả, hằn là quyết định từ bỏ nghề streamer, rút khỏi làng giải trí đối với PewPew đã rất khó khăn?
PewPew: Thực ra bây giờ mình vẫn livestream. Nhưng khác với trước kia là làm tất cả để kiếm sống, bây giờ livestream với mình chỉ còn là một sở thích, làm cho vui.
Liệu có phải, khi quyết định từ bỏ nghề streamer cũng là lúc bạn thấy mình không còn đứng trên đỉnh cao phong độ, và những sáng tạo đang dần đi vào đường mòn?
PewPew: Đúng vậy, mình không bắt trend thị trường hay và nhanh bằng nhiều bạn trẻ hơn hoặc mới hơn khi làm nghề này.
Ngoài ra, sức khỏe của mình cũng không còn như xưa nữa. Mình không thể stream game liên tục 12 tiếng mà vẫn thấy bình thường. Bây giờ, chỉ cần ngồi 5 tiếng liên tục là cổ họng mình đau rát và rất nhức đầu rồi.
Có phải streamer là một nghề không bền và quá khó?
PewPew: Muốn làm nghề streamer bền thì bạn phải có tư liệu, đặc biệt là tư liệu sống. Livestream là thứ rất khó kịch bản. Trên truyền hình, với cả một đội ngũ ekip như thế, nhưng có bao nhiêu chương trình được làm trực tiếp, huống chi một cá nhân livestream lại muốn mọi người phải xem mình! Vậy thì phải xem cái gì, xem như thế nào? Nếu bạn tiếp tục làm những thứ ngày hôm qua bạn vẫn làm thì tại sao mọi người phải xem bạn?
Làm livestream còn khó hơn làm video, vì với video, bạn còn có thời gian để nghĩ, chuẩn bị, cắt ghép, còn livestream thì liên tục tương tác với khán giả, liên tục nghĩ ra cái hay để nói, đâu có thể nói sai, nói lỡ thì cắt đi làm lại. Chưa kể là khi lên livestream còn có thị phi, có chửi bới và bạn phải chịu được tất cả áp lực đó.
Vì thế nghề này không bền. Nó không phải câu chuyện bạn cần làm mới mình nữa mà là liên tục có cái mới để nói trên livestream.
Nhưng chẳng phải vào thời điểm bạn nghỉ stream game, rất nhiều người vẫn nhận định, PewPew là một “hoàng tử streamer”, đang ở trên đỉnh cao phong độ?
PewPew: Thật lòng, chưa bao giờ mình nghĩ, mình là hoàng tử streamer hay một cái gì đó cao siêu cả. Hết cả tuổi trẻ (bây giờ, chắc là hết rồi), mình đã cố gắng làm những gì mình thích, có nhiều năng lượng nhất và có thể làm khá nhất, để dồn hết tâm huyết cho nó.Để đứng được ở một vị trí, làm những việc không ai làm được thì bạn sẽ phải chịu đựng những điều không ai có thể chịu đựng được”.
Thời điểm mình nghỉ stream game, rất nhiều anh chị em, bạn bè đã hỏi rằng: “đang ở trên đỉnh cao phong độ như thế thì tại sao lại nghỉ”? Nhưng thực ra, cái mà mọi người nhìn thấy chỉ là theo hướng từ bên ngoài nhìn vào, còn mình sẽ nhìn theo hướng từ bên trong nhìn ra.
Mình rất thích câu nói của Sơn Tùng MT-P: “Để đứng được ở một vị trí, làm những việc không ai làm được thì bạn sẽ phải chịu đựng những điều không ai có thể chịu đựng được”.
Câu nói đó đối với mình rất hay, rất đúng. Bản thân mình trước khi nghe câu nói ấy, cũng đã trải nghiệm điều này từ rất lâu. Và mình biết một điều chắc chắn: trên đời này, cái gì cũng có giá của nó.
Vậy cái giá mà bạn phải trả cho nghề streamer là gì?
PewPew: Mình nghĩ, sự đánh đổi lớn nhất là thời gian. Gần như quãng thời gian tuổi trẻ của mình chỉ có làm việc và làm việc, những cuộc chơi của mình đều rất chóng vánh, việc ngủ bên cánh gà sân khấu, ngủ trong taxi, trong cuộc họp, trước cuộc họp, không có thời gian để ngủ trong 2-3 ngày… là chuyện rất bình thường.
Trong suốt thời gian đó, một ngày có 24 tiếng thì mình thường xuyên làm việc 12-16 tiếng/ ngày, thời gian còn lại chỉ kịp để ngủ và sinh hoạt cá nhân.
Mình đã làm việc quá nhiều, chưa kể là PewPew còn đam mê kinh doanh và học hỏi nữa. Một ngày 24 tiếng với mình quả thực không đủ. Và mình đã như thế gần 10 năm rồi, kể từ khi mình bắt đầu niềm đam mê với nghề streamer.
Với mình, đó là sự đánh đổi lớn nhất và đương nhiên, không thể lấy lại được. Nhưng khi nhìn lại, mình cũng thấy hài lòng với sự lựa chọn trước kia.
Đánh đổi như thế, cái mà PewPew nhận được là gì để khiến bạn, sau tất cả, vẫn còn cảm thấy hài lòng?
PewPew: Được rất nhiều chứ! Đầu tiên là được sống với đam mê và bắt đam mê đó phải trả tiền cho mình. Đó cũng là mục đích đầu tiên khi mình làm streamer.
Khi nghề này còn rất mới, chưa mấy ai biết tới, mình đã nghĩ là, một ngày nào đó, xã hội sẽ phải trả tiền để mình làm điều mình thích. Đó là điều mình nghĩ và mình đã làm được.
Điều thứ hai là sự nổi tiếng, dù cho danh tiếng không phải là mục tiêu của mình. Chuyện đó rất tốt cho cả việc kinh doanh sau này, phát triển cá nhân cũng như trải nghiệm cuộc sống…
Ngoài ra, mình đã được làm việc ở những tập đoàn lớn, học hỏi được nhiều điều, kinh doanh nhiều thứ. Bản thân mình chỉ là một người bình thường, gia thế không có, tiền bạc cũng không, cho nên mọi thứ đều bắt đầu với nghề streamer, không có nghề, chắc có lẽ mình đã không thể trải nghiệm những điều đó. Ngay cả các mối quan hệ, anh chị em bạn bè của mình ngày hôm nay, cũng đều bắt đầu từ livestream mà ra.
Cuộc sống của một doanh nhân rất bận rộn. Nó không hề giống với những lý do bạn đưa ra khi từ bỏ nghề streamer, rằng bạn cần một cuộc sống bình thường, có nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình, có thể đi đá bóng, ngủ nhiều hơn như bao người thanh niên khác?
PewPew: Đúng. Nhưng mình nghĩ, làm gì cũng thế thôi. Muốn có thu nhập cao thì công sức bỏ ra càng nhiều. Bạn sẽ phải bỏ ra chất xám, hoặc sức khỏe, hoặc thời gian, hoặc kết hợp tất cả các yếu tố đó.
Nhưng công việc kinh doanh riêng cũng cho mình khoảng thời gian nhất định để làm được những việc cá nhân. Ngoại trừ những cuộc họp, hẹn gặp đối tác cần tới đúng giờ, thì mình vẫn có thể chủ động sắp xếp công việc. Điều đó khác hẳn khi còn làm streamer, có đôi khi đi show, mình phải chờ đợi ekip suốt 1-2 tiếng cũng là điều rất bình thường.
Nói đến thu nhập, mình rất muốn biết, mức thu nhập của PewPew khi không còn làm streamer nữa thì sẽ như thế nào?
PewPew: Rời ngành giải trí lúc đang trên đỉnh cao thu nhập là điều mình không hề ái ngại khi chia sẻ. Nếu cứ giữ mức thu nhập như cũ, chỉ trong vòng 1-2 năm, mình sẽ có được những thứ cơ bản như nhà cửa và xe hơi.
Còn bây giờ, mình đang quay lại mức thu nhập giống như hồi mới về Việt Nam, cách đây khoảng 5 năm, và thấp hơn rất nhiều so với lúc quyết định nghỉ làm streamer, thấp hơn tới 5-7 lần.
Bạn có cảm thấy bí bách khi tài chính eo hẹp hơn rất nhiều như vậy không?
PewPew: Không hề, mình thậm chí còn cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Mình đón bố mẹ từ Hải Phòng vào Sài Gòn, nên tất cả mọi việc từ cơm nước đến nhà cửa, quần áo… bố mẹ đều lo hết, mình không cần lo lắng gì cả. Bố mẹ cũng bảo: “Làm ít thôi còn giữ sức khỏe”, vậy là cuộc sống của mình tự nhiên rất thong dong.
Về bản chất, trước đây mình làm việc điên cuồng nhưng thu nhập cao, thấp cũng đều đã trải qua, đã có lúc gói mì tôm phải bẻ chia đôi để sống qua ngày, nên mình nghiệm ra một điều, giàu hay nghèo là do chính mình quyết định. Vấn đề không phải là chuyện bạn có bao nhiêu tiền, mà nó nằm ở cách bạn tiêu tiền như thế nào. Nếu bạn luôn luôn cảm thấy thiếu, thì dù có kiếm được bao nhiêu tiền, bạn cũng sẽ cảm thấy ngần ấy là không đủ.
Nhu cầu của mình rất đơn giản. Quần áo của mình mặc 4-5 năm vẫn mới, và không mua cái gì đắt tiền cả. Cái áo mình đang mặc trên người (một chiếc áo phông tối màu kiểu cách rất đơn giản), đã dùng 5 năm rồi mà vẫn cảm thấy rất mới. Hồi mua nó, mình chỉ mất có 30.000 đồng.
Hôm mẹ mình mới vào Sài Gòn, bà rất hào hứng đi mua đồ cho mình và mua được một chiếc quần mới, với giá 60.000 đồng. Mẹ mình rất vui vì lâu lắm rồi mới được đi mua quần áo cho mình, và mình cũng cảm thấy rất hài lòng với chiếc quần mới ấy. Đấy, cuộc sống của mình chỉ đơn giản như vậy thôi.
Mình không quần áo, đầu tóc… và cảm thấy không chi tiền cho khoản gì ngoài việc ăn uống, thuê nhà, trả tiền điện hàng tháng. Cơm tấm sườn bì chả trứng ở đây khoảng 30.000đ, thêm một ly nước mía 10.000đ. Một ngày 2 bữa như vậy không đến 100.000đ. Vì mình không đi đâu, cả ngày chỉ ở nhà nên cảm thấy, sống như vậy cũng thoải mái mà tiết kiệm.
Trước đó bạn từng tự nhận mình là một con nợ siêu to khổng lồ. Sang đến năm 2020, tình hình đã được cải thiện hơn hay xấu đi?
PewPew: Thực ra, dịch bệnh đã làm cho tình trạng của mình tệ hơn rất nhiều (cười).
Nhưng điểm tích cực là mình không chỉ coi nợ nần là động lực, mà còn nhìn nhận đó là trách nhiệm. Mình nghĩ, đây là lúc mình sẽ trả lời được câu hỏi, mình sẽ giữ uy tín được tới đâu. Ví dụ, tới tháng 6 này, mình phải trả một khoản nợ. Với tất cả những gì đã xảy ra, hoàn toàn ngoài dự tính, mình có thể nói với chủ nợ xin lùi ngày, nhưng mình không muốn làm điều đó.
Mình vẫn đang cố gắng để sang tháng, có thể trả được khoản nợ đó, để nói với bản thân mình rằng: à, mình có thể làm được!
Cụ thể là trong vụ dịch vừa qua, bạn đã lèo lái công việc kinh doanh như thế nào?
PewPew: Cách đây 3-4 tháng, khi dịch mới diễn ra, mình vẫn nghĩ rất tích cực, luôn nói với mọi người: “Rồi mọi thứ sẽ ổn, sẽ sớm có thuốc điều trị thôi”. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như vậy, dịch bùng lên mỗi lúc một mạnh hơn.
Tháng 3 vừa qua, đáng lẽ mình đã khai trương khu tổ hợp, nhưng vì dịch bệnh nên phải hoãn lại. Khi hoãn lại như vậy thì đã mất một khoản tiền rồi, thật lòng mình rất chua xót, vì tiền tích cóp thì lâu nhưng mất đi lại rất nhanh.
Đến đầu tháng 4, tình hình không hề khả quan hơn khi đại dịch bùng lên ở nhiều nước trên thế giới. Cuối cùng, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Lúc đó, mình đã suy nghĩ rất nhiều, và quyết định lùi lại để tiến xa hơn trong tương lai, tức là dừng hẳn dự án này để cắt lỗ.
Việc nuôi tôm thì mình vẫn kịp thả tôm, và hy vọng tới giữa năm nay, mùa tôm đầu tiên sẽ lên, rồi mọi việc sẽ ổn!
Với hai tiệm bánh mì, mình phải xoay sở, bán online, ship hàng cho khách. Đến thời điểm này, mình vẫn còn đang ngồi đây, nói chuyện với bạn, vẫn đi bán bánh mì thì có thể nói, mọi việc đã không quá tệ. Và mình không thể phủ nhận, nhờ có sự ủng hộ, tình cảm của khách hàng nên mình mới đi qua được đại dịch Covid-19.
Trong cuộc đời mình, đã bao giờ bạn cảm thấy khó khăn như lúc quyết định phải lùi lại, dừng dự án và cắt lỗ?
PewPew: Chưa bao giờ, Covid-19 sẽ là khoảng thời gian rất khó quên trong cuộc đời mình.
Tháng 4 vừa qua, mình đã trải qua quãng thời gian rất tù túng, khó chịu khi chỉ ở nhà, doanh số cũng giảm vì cách ly xã hội.
Với cục nợ như thế này, đã đang không có phương án giải quyết mà nó lại tăng thêm, phải làm sao bây giờ? Trước khi nghĩ phương án, mình luôn tự an ủi bản thân phải bình tĩnh, nhưng quả thực, dù có bình tĩnh cũng chẳng có tác dụng gì.
Lối ra thì mình không nhìn thấy, không có gợi ý gì để giải quyết bài toán quá lớn này. Ngay cả việc muốn nhìn ra nước ngoài để học tập cũng không thể, đọc báo thì thấy những hãng lớn cũng phá sản, các tập đoàn lớn cũng phải đi xin tiền… nên mình thấy rất hoang mang.
Đó là quãng thời gian mình chỉ ngủ khi cơ thể không thể chịu đựng được nữa. Tất cả mọi hoạt động kinh doanh của mình đều vì dịch bệnh mà chịu ảnh hưởng nặng.
Tháng 4, mình phải trả một khoản nợ và lúc đó, chủ nợ nói với mình: “Cứ thong thả, vì dịch như thế này thì ai cũng “toang” hết”. Mình hiểu rằng, không có chủ nợ nào lại muốn con nợ của mình bị chết hoặc trôi dạt đi đâu cả. Họ cũng muốn mình sống để trả nợ, nên chỉ cần mình sống tử tế, làm thật thì vẫn còn cơ hội.
Nếu lần này thất bại thì sao, hoặc bạn lại muốn dừng lại như những lần trước, hoặc bạn sa lầy vào nợ nần và mất hết đi số tiền tiết kiệm trong gần 10 năm làm streamer, lúc đó, PewPew sẽ phản ứng thế nào?
PewPew: Lần này chắc chắn mình sẽ không dừng lại. Nếu thất bại, mình có thể tạm lùi một chút để nhìn nhận lại mọi thứ.
Năm nay mình 30 tuổi rồi, từ bây giờ đến năm 50 tuổi, mình luôn trăn trở với câu hỏi: mình muốn làm gì và mình đã tìm ra câu trả lời. Bây giờ, tất cả tâm trí, sức lực của mình chỉ dành cho việc kinh doanh thôi. Tính của mình là đã muốn làm gì thì chỉ nghĩ và đau đáu về nó.
Tham gia rất nhiều lĩnh vực khá khác nhau, PewPew nghĩ rằng, mục đích lớn nhất của bạn khi dồn hết tâm huyết cho việc kinh doanh là gì?
PewPew: Mình nghĩ đơn giản là làm điều gì đó tốt cho mọi người. Nhiều người thường nói, kinh doanh để kiếm tiền, còn mình nghĩ khác, tiền chỉ là con số, còn ý nghĩa sau cùng của kinh doanh chính là việc phục vụ xã hội.
Trải qua những khó khăn như dịch Covid-19 vừa qua, chuyện 2 tiệm bánh mì của mình vẫn tồn tại được giúp mình tin là: những gì mình làm đang được xã hội chấp nhận và cần đến, khách hàng cũng đang yêu mến, ủng hộ mình. Tất cả sẽ sẽ là động lực để mình tiếp tục cống hiến, phục vụ mọi người.
Mình sẽ cố gắng hài hòa, phục vụ, làm hài lòng càng nhiều người hơn, cũng tin rằng, xã hội sẽ chừa cho mình một con đường để tiến lên.
Có nghĩa là bạn không bó buộc mình trong một vài lĩnh vực cụ thể, với mục tiêu rõ ràng nào mà có thể làm tất cả mọi việc, đơn giản chỉ để phục vụ cộng đồng?
PewPew: Đúng vậy. Mình đã từng nghĩ đến việc mở chỗ rửa, sửa xe chất lượng kết hợp với việc phục vụ ăn uống. Mình không ngại trở thành anh rửa xe hoặc đi bán nước mía để làm cho cuộc sống này tốt hơn, giúp mọi người có cái gì đó tốt hơn để lựa chọn.
Cách đây 1-2 tháng, khi mọi thứ đã rất tồi tệ và mình không còn đảm bảo được thu nhập của chính mình nữa, thì PewPew đã nghĩ đến việc livestream bán hàng. Mình không ngại bị mọi người nói này nói nọ, rằng ngày xưa hoành tráng, lấp lánh thế mà giờ phải livestream bán hàng online. Mình chỉ quan tâm, miễn sao mình bán hàng chất lượng, bán hàng có tâm và bán đúng loại hàng mọi người cần.
Đặt mục tiêu như vậy có nhỏ bé quá không khi thường ở tuổi trẻ, người ta hay nghĩ tới việc 5-10 năm nữa mình sẽ là ai, có vị trí như thế nào trong xã hội, đã làm được điều gì lớn lao hay chưa?
PewPew: Mình nghĩ ai cũng có một giấc mơ. Một năm qua, khi ở nhà ngẫm nghĩ, mình nhận ra, với một người không tiền, không thế lực như mình… thì tại sao lại không thể bắt đầu bằng những thứ nhỏ nhỏ, phục vụ anh chị em, bạn bè xung quanh mình từ những nhu cầu cơ bản như ăn uống, rửa xe, hớt tóc, giặt ủi…
Nói về mục tiêu 10 năm nữa, mình nghĩ rất đơn giản, mong là tới lúc đó, PewPew sẽ có 5 tiệm bánh mì, 1-2 tiệm café, 1-2 tiệm hớt tóc, có khoảng vài hecta tôm, nuôi 1000-2000 con gà, 1000-2000 con heo và vài hecta rau.
Tất nhiên không phải tất cả sẽ là của mình, để làm được ngần ấy, mình sẽ cần hợp tác với nhiều người. 10 năm nữa, mình cũng không biết, có ai còn nhớ PewPew không, và liệu mình có được ngồi ở vị trí nào đó trong xã hội? Nhưng chỉ cần trong khối tài sản kia, mỗi thứ mình có được 1% thôi thì đã thấy rất vui rồi!
Nghe bạn nói về mục tiêu như vậy, liệu có ai đó cười và nói rằng bạn đang chém gió?
PewPew: Đa phần bạn bè của mình đều cười mình. Ví dụ như chuyện đi nuôi tôm, đến bây giờ họ vẫn cười mình. Hoặc việc mình muốn có một chỗ để đánh giày, rửa xe cho các bác tài xế thì mọi người cũng cười. Họ hỏi mình rằng: Tại sao đầu óc của mình cứ nghĩ đến những thứ kiểu như thế?
Nhưng biết làm sao được, vì mỗi người sinh ra có một góc nhìn, một cách tiếp cận cuộc sống rất khác nhau. Và mình tự tin vì mình không làm cái gì đó tệ hại cả, đơn giản là mình muốn sống và cống hiến cho cộng đồng. Bạn bè cười mình thì cũng nhiều, nhưng kệ họ thôi, mình vẫn sẽ làm những gì mình đau đáu!
Bạn từng nói, khi kinh doanh bánh mì, bạn phải đếm từng vị khách, còn khi nuôi tôm, sự vất vả là gì vậy?
PewPew: Mình cũng đếm từng con tôm luôn (cười). Hôm trước khi sang thăm đầm, mình thấy tôm không đều, phải đưa tôm lên để lọc, bao nhiêu con ở size này thì lọc sang một bên, bao nhiêu con trên size đó thì lọc sang một bên khác.
Hôm đó, tôm ở mức 100 con/ kg thì như vậy có đáng mừng hay chưa, mình phải ngồi nói chuyện rất lâu với những người nông dân, để xem trong gương mặt, ánh mắt họ có thấy hài lòng với kết quả đó hay không.
Mình và các bác nông dân phải cân đo rất cẩn thận, chuẩn xác một con tôm bao nhiêu lạng, đếm đi đếm lại, vội vàng nhấc con tôm thật nhanh, sang tay người khác rồi đưa sang hồ khác vì lo sợ, tôm ở trên mặt nước lâu thì nó sẽ bị mệt.
Với những nỗ lực đó, bạn cảm thấy mình đã thu nhận được gì từ công việc kinh doanh?
PewPew: Khi kinh doanh mình mất rất nhiều tiền (cười), mất tất cả những gì mình đã từng tiết kiệm được và còn đang âm nữa.
Nhưng cái được là mình thay đổi bản thân rất nhiều, học hỏi được rất nhiều và cảm thấy cuộc sống có quá nhiều điều thú vị để cảm nhận.
Ví dụ như trong vụ dịch vừa qua, khi mọi người cảm thấy nó thật tồi tệ thì mình lại cảm nhận được một chút tích cực ở trong đó, đấy là lúc khó khăn, ai sẽ là người ở lại làm với mình, khi mình phải dừng lại dự án khu tổ hợp thì ai là người buồn cùng mình…
Điều quan trọng là qua đợt dịch này, mình thấy trân trọng khách hàng rất nhiều vì họ đã cho mình một bài kiểm tra rất lớn rằng, sản phẩm của mình có ổn hay không, khách hàng có cho mình cơ hội để sống thêm 1-2 tháng, để mình tiếp tục với giấc mơ của mình hay không?
PewPew từng nói, khi làm bất cứ việc gì, bạn luôn ở trong tâm thế của người đánh cược? Vậy với công việc kinh doanh, thứ bạn đem ra cược là gì thế?
PewPew: Mình cược niềm tin. Niềm tin này rất rộng theo nghĩa, những người làm chung với mình, họ có tin mình, tin vào con đường mình đi hay không? Đối tác có tin vào sản phẩm của mình? Các bạn trẻ làm với mình, liệu có tin là sẽ nhận được điều gì đó? Khách hàng có tin mình, vì không có sản phẩm nào hoàn hảo 100% và không bao giờ mắc lỗi, nhưng nếu khách hàng tin bạn, họ sẽ cho bạn cơ hội để sửa lỗi.
Quan trọng nhất là liệu chính mình có tin vào khả năng của bản thân. Mình nghĩ rằng, trong cuộc đời này, mất cái gì cũng được nhưng không bao giờ được mất niềm tin, bởi vì mất niềm tin là mất hết tất cả.
Vậy đã có lúc nào bạn mất niềm tin? Vì đến giờ, rất nhiều dự định trong kinh doanh của bạn vẫn chưa thành hiện thực, ví dụ như chuyện phải dừng lại dự án khu tổ hợp?
PewPew: Mình nghĩ, không ai có được bức tranh đẹp ngay trong lần đầu tiên đặt bút vẽ. Để có bức tranh đẹp thì phải cố gắng, vẽ nháp rất nhiều.
Những gì mình mong muốn là những gì mình muốn làm, muốn đi theo con đường đó, không có nghĩa mình sẽ đạt được tất cả, nhưng tối thiểu mình muốn đi về một hướng nào đó. Với mình, việc có hướng đi đã là rất tích cực rồi, còn thất bại là chuyện bình thường, nếu không có thất bại thì mình sẽ không thể lớn lên được.
Đối với mình, khi làm bất cứ việc gì thì điều quan trọng nhất là mình có thấy vui hay không. Mình mà vui thì mọi người nhìn mình buồn, mình cũng không để ý. Mình mà vui, mình có mặc quần đùi, áo phông, đi dép lê tổ ong ra đường, mọi người nói mình rẻ rách, mình cũng chẳng quan tâm. Mình sẽ dành nhiều thời gian để nghĩ, mình nên làm gì, làm thế nào để một ngày trôi qua ý nghĩa, để mỗi sớm mai thức dậy, mình sẽ thấy thật sự hạnh phúc!