NASA phát hiện Trái Đất đang giữ lượng nhiệt lớn chưa từng có: “Đó thực sự là một tin xấu”

“Mức độ gia tăng này là chưa từng có. Trái đất đang nóng lên nhanh hơn dự kiến”, Norman Loeb, một nhà khoa học của NASA và là tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters tuần này cho biết.

Sử dụng dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu từ NASA và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã đo được cái mà họ gọi là sự mất cân bằng năng lượng của Trái đất. Đây là sự khác biệt giữa lượng năng lượng mà Trái đất hấp thụ từ mặt trời và lượng nhiệt mà nó có thể giải phóng hoặc bức xạ trở lại không gian. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng Trái đất hiện đang hấp thụ nhiều nhiệt hơn lượng nhiệt mà nó mất đi. Đây được coi là bước đầu tiên hướng tới sự nóng lên toàn cầu.

NASA phát hiện Trái Đất đang giữ lại lượng nhiệt chưa từng có: Đó thực sự là tin xấu - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng đã tăng gần gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2019. Lượng năng lượng ‘bị giữ lại’ bởi Trái đất lớn đến mức tương đương với việc mỗi người trên thế giới sử dụng 20 ấm trà điện cùng một lúc.

Các nhà khoa học ước tính rằng Trái Đất hấp thụ khoảng 240 watt trên một mét vuông năng lượng từ Mặt Trời. Các đại dương hấp thụ phần lớn lượng nhiệt đó, chiếm khoảng 90 phần trăm.

Vào đầu giai đoạn nghiên cứu (năm 2005), Trái Đất bức xạ khoảng 239,5 watt trở lại không gian – chênh lệch khoảng nửa watt. Tuy nhiên, đến năm 2019, chênh lệch giữa lượng năng lượng Trái Đất hấp thụ và lượng năng lượng phát ra không gian đã tăng gần gấp đôi – lên khoảng 1 watt trên một mét vuông.

Câu hỏi lớn nhất là nguyên nhân nào gây ra sự tích tụ nhiệt quá mức như vậy.

Nghiên cứu cho thấy sự suy giảm của lớp mây và băng biển, phản xạ năng lượng mặt trời trở lại không gian, đang khiến Trái đất giữ lại nhiều nhiệt hơn. Đồng thời, sự gia tăng khí nhà kính do con người tạo ra, chẳng hạn như mê-tan và carbon dioxide, cũng như hơi nước, đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Giai đoạn nghiên cứu cũng trùng với những thay đổi về khí hậu có thể đóng vai trò trong việc đẩy nhanh quá trình giữ nhiệt. Điều này bao gồm một sự kiện El Niño mạnh từ năm 2014 đến năm 2016, dẫn đến nước ấm bất thường trên khắp các đại dương. Lượng nhiệt tăng thêm đó, đặc biệt là ở các đại dương, sẽ có nghĩa là các cơn bão và sóng nhiệt biển dữ dội hơn nhiều.

“Đó không phải là tin tốt”, tác giả chính của nghiên cứu, Norman Loeb, cảnh báo.

Tham khảo Washington Post