Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ làm đảo lộn cuộc sống thường nhật của con người, đại dịch này còn ảnh hưởng tiêu cực đến động vật theo nhiều cách khác nhau.
Gần đây, các nhân viên tại Thủy cung Sumida ở Tokyo, Nhật Bản đã phát hiện ra rằng Covid-19 đã khiến lươn cỏ đốm (một loài lươn) biểu hiện sự sợ hãi con người. Trước đây, có rất nhiều du khách đến thủy cung này để tham quan và du lịch, và lươn cùng nhiều loài động vật khác đã quá quen với điều đó khi chúng tiếp xúc với con người hàng ngày.
Tuy nhiên, kể từ khi thủy cung phải tạm thời đóng cửa vì Covid-19, chúng không thể gặp con người thường xuyên như trước. Theo các nhân viên ở đây, những con lươn này gần như đã quên mất sự tồn tại của con người và sợ hãi mỗi khi có ai đó cố gắng tiếp cận chúng. Ngay cả những người thường xuyên chăm sóc và cho chúng ăn hàng ngày cũng đột nhiên trở nên xa lạ, và khi đến gần, chúng lập tức tìm cách ẩn náu. Điều đó cũng khiến họ ít nhiều khó khăn trong việc theo dõi sức khỏe của loài động vật này.
Những chú lươn ở đây hơi nhút nhát và thường vùi mình vào cát khi có người đến gần vì đã lâu chúng không được tiếp xúc với khách du lịch.
Để khắc phục tình trạng kỳ lạ này, Thủy cung Sumida mới đây đã kêu gọi mọi người Facetime với những chú lươn của mình, giúp chúng dần nhớ lại hình ảnh con người. Các nhân viên sẽ gắn một loạt máy tính bảng vào thành kính của bể lươn, và người tham gia chỉ cần gọi video call tại đây để các chú lươn có thể quan sát và bớt sợ hãi. Ngoài ra, họ cũng được khuyến khích thực hiện một số động tác nhẹ nhàng như vẫy tay hoặc thì thầm với chúng. Đây cũng được coi là một hoạt động mới trong sự kiện Tuần lễ vàng – một ngày lễ truyền thống của Nhật Bản, nhất là khi người dân nơi đây vẫn đang phải hạn chế đến nơi công cộng để phòng ngừa dịch bệnh.
Hiện tại, đây có lẽ là phương án tốt nhất giúp Thủy cung Sumida tái hiện lại không khí nhộn nhịp, tấp nập khi còn mở cửa đón du khách. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các chú lươn có bị đánh lừa bởi hình ảnh từ những tấm bảng vô tri vô giác không? Liệu mắt chúng có khác khi quan sát người thật bằng xương bằng thịt so với phiên bản ảo qua FaceTime không? Và liệu phương án này có thực sự hiệu quả, giúp chúng trở nên thân thiện hơn với con người, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào thủy cung mới có thể mở cửa đón du khách trở lại?
Thủy cung Sumida đang yêu cầu mọi người gọi FaceTime cho những con lươn này để giúp chúng thư giãn và dần lấy lại sự thân thiện với con người.
Tuy nhiên, để có thể thoải mái chăm sóc và theo dõi sức khỏe của các chú lươn ở đây, có lẽ không còn cách nào khác. Được biết, chương trình Facetime độc đáo này sẽ kéo dài từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 5, mỗi ngày 2 tiếng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều (giờ địa phương). Nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác trò chuyện với động vật, độc giả có thể truy cập trang web này. Đừng quá lo lắng về tiếng Nhật của bạn, vì các chú lươn sẽ không hiểu bạn nói gì, điều quan trọng là hãy để chúng theo dõi bạn trên màn hình.
Theo TheNextweb