Trong lúc thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện ra sáu chủng virus corona hoàn toàn mới ẩn náu trong quần thể dơi ở Myanmar.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE là một phần của dự án PREDICT, một nỗ lực đa quốc gia do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ điều phối nhằm phát hiện sớm các mầm bệnh ở động vật có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Dấu hiệu đáng khích lệ từ nghiên cứu này là cả sáu loại coronavirus mới được phát hiện ở Myanmar đều chỉ lây nhiễm cho loài dơi. Các nhà khoa học cho biết bộ gen của chúng không giống lắm với SARS-CoV-2 hoặc hai loại coronavirus trước đó gây ra bệnh nặng ở người là SARS và MERS.
Dự án PREDICT ở Myanmar diễn ra từ năm 2016 đến năm 2018. Trong thời gian đó, các nhà khoa học đã thu thập hàng trăm mẫu nước bọt và phân từ 464 con dơi thuộc ít nhất 11 loài khác nhau. Họ lấy mẫu tại ba địa điểm ở Myanmar, nơi con người tiếp xúc gần với động vật hoang dã.
Quá trình đô thị hóa và canh tác đã đưa con người đến gần hơn với loài dơi, ví dụ như một số nông dân thu thập phân dơi để bón cho ruộng của họ. “Hai trong số những địa điểm này cũng có hệ thống hang động nổi tiếng, nơi con người thường xuyên tiếp xúc với loài dơi thông qua hoạt động thu hoạch phân dơi, các hoạt động tôn giáo và du lịch sinh thái”, các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu.
Tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã gây ra nguy cơ virus từ dơi lây nhiễm cho con người, sau đó đột biến để có thể lây truyền từ người sang người. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dơi và các loài gặm nhấm như chuột là những ổ chứa virus tiềm ẩn nhất có thể gây ra đại dịch ở người trong tương lai.
Bởi vì dơi là loài động vật có vú biết bay duy nhất, do đó chúng có thể lây lan bệnh tật cho một quần thể dơi lớn, động vật hút máu của chúng và thậm chí cả con người trên một khu vực rộng lớn. Trong khi đó, chuột có thể đã thích nghi để phát triển mạnh trong môi trường đô thị hóa của con người.
Các nhà khoa học cũng nghi ngờ rằng virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 hiện nay có nguồn gốc từ loài dơi và lây sang một loài động vật trung gian, có thể là tê tê, trước khi lây nhiễm cho con người.
Dự án PREDICT tại Myanmar
Đó là lý do tại sao PREDICT được tạo ra để tìm ra các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn trước khi chúng lây nhiễm cho chúng ta. Tại Myanmar, các nhà khoa học đã phân tích trình tự gen của các loại virus mà họ tìm thấy trong nước bọt và phân của dơi.
Sau khi so sánh bộ gen của tất cả các loại coronavirus đã biết, họ phát hiện ra sáu chủng mới ở ba loài dơi: dơi nhà vàng châu Á (Scotophilus heathii) mang virus PREDICT-CoV-90, dơi môi nhăn đuôi tự do (Chaerephon plicatus) mang virus PREDICT-CoV-47 và -82, và dơi mũi lá Horsfield (Hipposideros larvatus) mang virus PREDICT-CoV-92, -93 và -96.
Các nhà nghiên cứu cho biết cần phải nghiên cứu thêm để dự đoán khả năng của sáu loại virus corona này, dự đoán liệu chúng có khả năng lây truyền giữa các loài, bao gồm cả con người hay không.
Suzan Murray, đồng tác giả nghiên cứu, giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu của Viện Smithsonian, cho biết trong một tuyên bố: “Nhiều loại vi-rút corona có thể không gây ra mối đe dọa cho con người, nhưng khi chúng ta xác định sớm những căn bệnh này ở động vật, ngay từ nguồn gốc của chúng, chúng ta có cơ hội quý giá để điều tra các mối đe dọa tiềm ẩn”.
“Giám sát, nghiên cứu và giáo dục là những công cụ tốt nhất mà chúng ta có để ngăn chặn đại dịch trước khi chúng xảy ra.”
Và đó giờ là một thực tế cấp bách, nhiều năm trước, tỷ phú Bill Gates và nhiều nhà dịch tễ học đã cảnh báo rằng thế giới chưa chuẩn bị và do đó quá dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa sinh học. Thực tế của đại dịch COVID-19 thật không may đã chứng minh điều đó là đúng.
Khi con người ngày càng xâm phạm vào môi trường sống của động vật thông qua các hoạt động như săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã, đô thị hóa và phá hủy môi trường sống, động vật sẽ có ngày càng nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường sống của chúng ta, tạo điều kiện cho các loại vi-rút lây nhiễm chéo từ động vật sang người.
Marc Valitutto, cựu bác sĩ thú y của Chương trình Y tế Toàn cầu của Viện Smithsonian, cho biết: “Trên khắp thế giới, con người đang tương tác với động vật hoang dã với tần suất ngày càng tăng”.
“Vì vậy, chúng ta càng hiểu rõ về các loại vi-rút này ở động vật và hiểu rõ hơn về chúng – nguyên nhân khiến chúng đột biến và cách chúng lây lan sang các loài khác – thì chúng ta càng có nhiều cơ hội ngăn chặn đại dịch trước khi chúng xảy ra.”
PREDICT, một sáng kiến của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, đang giúp chúng tôi thực hiện điều đó. Dự án được thành lập vào năm 2009 và hiện đang được triển khai tại hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, PREDICT được triển khai phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE). Từ năm 2016, ít nhất hai nghiên cứu đã được tiến hành tại Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Giang để theo dõi tiếp xúc của con người với gia súc và động vật hoang dã và đánh giá nguy cơ lây nhiễm chéo vi-rút từ động vật sang người.
Tài liệu tham khảo Livescience, Nationalzoo