Bài 2 sinh 10 : Tìm hiểu các giới sinh vật – có bài tập giải chi tiết

1. Giới và hệ thống phân loại giới – bài 2 sinh 10

1.1. Khái niệm

Sự đa dạng là một dấu ấn vô cùng đặc biệt của sự sống. Cho đến nay, các nhà sinh học đã xác định và đặt tên cho hơn 1,8 triệu loài. Theo thống kê, hiện nay chúng ta đã biết bao gồm ít nhất 100.000 loài nấm, 290.000 loài thực vật, 57.000 loài động vật có xương sống và 1 triệu loài côn trùng (hơn một nửa trong số tất cả các dạng sống đã biết), không đề cập đến vô số loại sinh vật đơn bào. Các nhà nghiên cứu xác định hàng ngàn loài bổ sung mỗi năm. Ước tính trong tổng số các loài từ khoảng 10 triệu đến hơn 100 triệu. Bất kể con số thực tế là bao nhiêu, sự đa dạng của thế giới sinh học mang lại một thách thức lớn trong việc cố gắng hiểu rõ về sự đa dạng này.

Vì thế trong lịch sử, các nhà khoa học bằng cách so sánh cẩn thận cấu trúc, chức năng và các đặc điểm rõ ràng khác đã phân loại sự đa dạng của các dạng sống thành các loài và các nhóm rộng hơn. Giới (Regnum) trong bài 2 sinh 10 được định nghĩa là đơn vị phân loại lớn nhất gồm có các ngành sinh vật chung những đặc điểm nhất định.

Và hiện nay thế giới sinh vật được phân loại thành các đơn vị cơ bản theo trình tự nhỏ dần là giới -> ngành -> lớp -> bộ -> họ -> chi -> loài.

1.2. Sơ đồ hệ thống phân loại giới

Cho đến nay, đã có rất nhiều quan điểm về hệ thống các giới sinh vật tuy nhiên quan điểm có lẽ được ủng hộ nhiều hơn cả đó là hệ thống phân loại 5 giới của Whittaker và Margulis.

Cụ thể thế giới sinh vật được chia thành 5 giới bao gồm: giới Khởi sinh, giới Nguyên sinh, giới Nấm, giới Thực vật và giới Động vật.

2. Đặc điểm của 5 giới sinh vật – bài 2 sinh 10

2.1. Giới Khởi sinh (Monera)

Giới Khởi sinh (Monera) là một trong hệ thống năm giới của phân loại sinh học. Nó bao gồm những sinh vật nhỏ bé có kích thước hiển vi (từ 1-3μm), là những sinh vật cổ sơ nhất trên Trái Đất từ khoảng 3,5 tỷ năm trước đây. Chúng có mặt khắp mọi nơi, trong đất, nước, không khí, thậm chí cả những nơi rất khắc nghiệt như suối nước nóng, đáy đại dương,… và nhiều vi khuẩn sống ký sinh trong các cơ thể khác; phương thức dinh dưỡng thì rất đa dạng như là hoá tự dưỡng, hoá dị dưỡng, quang tự dưỡng và quang dị dưỡng. Vi khuẩn là loài chứa nhiều sắc tố quang hợp, trong đó có diệp lục như vi khuẩn lam có khả năng tự dưỡng thông qua hoạt động quang hợp như thực vật.

Giới Khởi sinh bài 2 sinh 10 gồm phần lớn các sinh vật có cấu trúc tế bào nhân sơ. Chính vì vậy, giới Monera đôi khi cũng được gọi là Prokaryota hay Prokaryotae. Tuy nhiên, bằng các phân tích trình tự DNA và RNA gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng có hai nhóm chính của giới khởi sinh là vi khuẩn (Bacteria) và vi khuẩn cổ (Archaea).

2.2. Giới Nguyên sinh (Protista)

Sinh vật nguyên sinh hay còn có tên khác là Nguyên sinh vật là một nhóm vi sinh vật nhân chuẩn với kích thước hiển vi. Ngày trước, sinh vật nguyên sinh được cho là giới Protista nhưng nhóm này đã không còn được thừa nhận theo các nguyên tắc phân loại hiện đại. Thay vào đó thì bâu giờ nó được coi là một nhóm không chặt chẽ với 30 hoặc 40 ngành riêng biệt với sự kết hợp đa dạng về kiểu dinh dưỡng, đặc điểm của chúng, cơ chế vận động, bề mặt tế bào và cả vòng đời.

Giới Nguyên sinh gồm các loài sinh vật nhân thực,có thể đơn bào hoặc đa bào, chúng rất đa dạng về cả cấu tạo lẫn phương thức dinh dưỡng. Dựa vào phương thức dinh dưỡng của sinh vật mà người ta chia chúng thành: động vật nguyên sinh (Protozoa), Thực vật nguyên sinh (hay là Tảo – Algae) và Nấm nhầy (Myxomycota).

2.3. Giới Nấm (Fungi)

Nấm là các sinh vật xếp vào tế bào nhân thực. Cơ thể chúng có thể là đơn bào cũng có thể là đa bào dạng sợi, có thành kitin (một số trường hợp có thành xenlulôzơ) và không có lục lạp. Chúng thích nghi với đời sống dị dưỡng hoại sinh, kí sinh hoặc cộng sinh (địa y). Hình thức sinh sản chủ yếu bằng bào tử không có lông và roi.

Những dạng nấm điển hình thường gặp bao gồm nấm men, nấm sợi, chúng có nhiều đặc điểm khác biệt nhau. Ngoài ra, người ta còn ghép địa y vào giới Nấm (là cơ thể cộng sinh giữa nấm với tảo hoặc vi khuẩn lam)

Trên Trái Đất, đa phần các sinh vật sống phần lớn ở trong thành phần của đất, chất mùn, xác của sinh vật chết, sống cộng sinh hoặc ký sinh trên cơ thể động, thực vật, thậm chí là nấm khác. Nấm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta, chúng phân hủy được các vật chất hữu cơ và chúng không thể vắng mặt trong chu trình chuyển hoá và quá trình trao đổi chất.

2.4. Giới Thực vật (Plantae)

Giới thực vật có các ngành tiêu biểu gồm: Rêu, quyết, hạt trần, hạt kín. Chúng thường có các đặc điểm là đa bào phức tạp, tế bào nhân thực, có thể tự quang hợp, sống tự dưỡng, thành tế bào được cấu tạo từ xenlulozơ. Vai trò của các sinh vật này chủ yếu để cung cấp thức ăn cho giới động vật, điều hòa được khí hậu, hạn chế tác hại xói mòn, sạt lở, lũ lụt, hạn hán, giữ được nguồn nước ngầm, cung cấp cho chúng ta các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống. Chúng sống theo kiểu tự dưỡng, quang hợp và sống cố định.

Đăng ký ngay để được các thầy cô ôn tập và xây dựng lộ trình học tập THPT vững vàng

2.5. Giới Động vật (Animalia)

Giới động vật có các ngành tiêu biểu như thân lỗ, ruột khoang, giun dẹp, giun tròn, giun đốt, thân mềm, da gai, động vật có dây sống. Chúng có đặc điểm là đa bào phức tạp, nhân thực, dị dưỡng, có khả năng di chuyển, phản ứng nhanh, cơ thể có cấu trúc phức tạp, khả năng chuyển hóa cao. Giới động vật còn có vai trò to lớn góp phần làm cân bằng hệ sinh thái, cung cấp nguồn thức ăn cũng như nguyên liệu cho con người.

3. Sơ đồ tư duy sinh học 10 bài 2

Để có thể hình dung các kiến thức vừa học một cách ngắn gọn, dễ hiểu thì VUIHOC sẽ cho các em sơ đồ tư duy sinh học 10 bài 2. Hi vọng các em sẽ nắm được kiến thức cơ bản qua sơ đồ tư duy này.

4. Luyện tập bài 2 sinh 10: Các giới sinh vật

Câu 1: Vi khuẩn thuộc giới nào trong hệ thống phân loại 5 giới:

A. giới Khởi sinh.

B. giới Nấm.

C. giới Nguyên sinh.

D. giới Động vật.

Câu 2: Thứ tự phân loại từ bé đến lớn của thế giới sinh vật

A. Loài → chi → họ → bộ → lớp → ngành → giới.

B. Chi → họ → bộ→ lớp→ ngành → giới→ loài

C. Loài → chi → bộ → họ → lớp→ ngành → giới.

D. Loài → chi → lớp → họ → bộ → ngành → giới.

Câu 3: Đặc điểm nào dưới đây là của giới Khởi sinh

A. Đơn bào, kích thước nhỏ, nhân thực, sống dị dưỡng.

B. Đơn bào, kích thước nhỏ, nhân sơ, sinh sản nhanh, phương thức sống đa dạng.

C. Nhân sơ, kích thước nhỏ, sống dị dưỡng hoặc sống tự do.

D. Nhân thực, sinh sản nhanh, đơn bào, sống tự dưỡng.

Câu 4: Giới Nguyên sinh bào gồm:

A. Động vật nguyên sinh, thực vật nguyên sinh (hay còn gọi là tảo) và nấm nhầy

B. Virus, tảo, động vật nguyên sinh

C. Vi khuẩn, thực vật nguyên sinh và động vật nguyên sinh

D. Virus, vi khuẩn, nấm nhầy

Câu 5: Nhóm nấm nào dưới đây thường được dùng để sản xuất rượu trắng, rượu vang, bia, làm nở bột mì, tạo sinh khối.

A. Nấm sợi

B. Nấm đảm

C. Nấm nhầy

D. Nấm men

Câu 6: Sinh giới được chia ra thành các giới nào sau đây:

A. Khởi sinh, nguyên sinh, nấm, thực vật và động vật

B. Vi khuẩn, nấm, nguyên sinh, thực vật và động vật

C. Khởi sinh, nguyên sinh, tảo, thực vật và động vật

D. Vi khuẩn, đơn bào, đa bào, thực vật và động vật

Câu 7: Loài nào dưới đây thuộc giới Khởi sinh:

A. Trùng giày

B. Trùng kiết lị

C. Trùng sốt rét

D. Vi khuẩn lao

Câu 8: Đặc điểm chung của các loài thuộc giới Nguyên sinh:

A. Có cơ quan di chuyển

B. Cấu tạo đa bào phức tạp

C. Là những sinh vật nhân thực

D. Sống dị dưỡng

Câu 9: Cho các đại diện sau:

(1) Nấm men

(2) Vi khuẩn

(3) Động vật nguyên sinh

(4) Tảo đơn bào

(5) Tảo đa bào

(6) Virus

Trong các đại diện được liệt kê trên, có bao nhiêu đại diện thuộc giới Nguyên sinh?

A. 5

B. 4

C. 3

D. 6

Câu 10: Địa y là sinh vật thuộc giới:

A. Khởi sinh

B. Nguyên sinh

C. Nấm

D. Thực vật

Câu 11: Kiểu dinh dưỡng tự dưỡng không có ở giới sinh vật nào sau đây:

A. Giới nguyên sinh

B. Giới thực vật

C. Giới khởi sinh

D. Giới nấm

Câu 12: Cho các nhận định sau:

(1) sinh vật nhân thực

(2) sinh vật đơn bào hoặc đa bào

(3) phương thức dinh dưỡng đa dạng

(4) có khả năng chịu nhiệt tốt

(5) sinh sản hữu tính hoặc sinh sản vô tính

Trong các ý trên, có mấy ý là đặc điểm của giới nguyên sinh?

A. 2

B. 3

C. 4

D. 5

Câu 13: Cho các ý sau:

(1) Chưa có hệ mạch

(2) Thụ tinh nhờ gió

(3) Tinh trùng không roi

(4) Thụ tinh nhờ nước

(5) Có nguồn gốc từ tảo lục đa bào nguyên thủy

Trong các ý trên có mấy ý là đặc điểm của ngành rêu:

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Câu 14: Giới thực vật bao gồm những sinh vật có đặc điểm:

A. Đa bào, nhân thực, dị dưỡng, có khả năng phản ứng chậm

B. Đa bào, nhân sơ, phần lớn là tự dưỡng, có khả năng phản ứng chậm

C. Đa bào, một số loại đơn bào, nhân thực, tự dưỡng, một số dị dưỡng, có khả năng phản ứng chậm

D. Đa bào, nhân thực, tự dưỡng, có khả năng phản ứng chậm

Câu 15: Cho các ý sau:

(1) Đa bào, phân hóa thành các mô và cơ quan

(2) Sống tự dưỡng, quang hợp và không có khả năng di chuyển

(3) Tế bào nhân thực, có thành xenlulozo

(4) Có hệ mạch để dẫn nước, muối khoáng

(5) Sinh sản hữu tính và vô tính

Trong các ý trên có mấy ý là đặc điểm của giới thực vật?

A. 2

B. 4

C. 3

D. 5

Câu 16: Cho các ý sau:

(1) Có hệ mạch phát triển

(2) Thụ tinh kép

(3) Hạt được bảo vệ trong quả

(4) Hạt không được bảo vệ

(5) Tinh trùng không roi

Trong các ý trên có mấy ý là đặc điểm của ngành Hạt kín?

A. 2

B. 3

C. 4

D. 5

Câu 17: Giới Thực vật có nguồn gốc từ?

A. Vi sinh vật cổ

B. Tảo đơn bào

C. Tảo lục đa bào nguyên thủy

D. Tảo đa bào

Câu 18: Sinh vật thuộc giới Động vật có đặc điểm đặc trưng nhất là:

A. Nhân sơ

B. Tự dưỡng

C. Sống kí sinh

D. Có khả năng di chuyển

Câu 19: Cho các ý sau:

(1) Cơ thể phân hóa thành mô, cơ quan, hệ cơ quan

(2) Đa bào, nhân thực, sống dị dưỡng và di động được

(3) Đẻ con và nuôi con bằng sữa

(4) Có hệ thần kinh và phản ứng nhanh trước kích thích của môi trường

Trong các ý trên có mấy ý là đặc điểm của giới động vật?

A. 2

B. 4

C. 1

D. 3

Câu 20: Sinh vật thuộc giới nào sau đây có cấu trúc nhân tế bào khác biệt so với các giới còn lại:

A. Giới động vật

B. Giới nấm

C. Giới thực vật

D. Giới khởi sinh

Bảng đáp án gợi ý:

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 A A B A D A D C C C 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 D C C D D C C D B D