NĂM 1937
TỪ NGÀY 1-1 ĐẾN NGÀY 13-3
Các cuộc biểu tình nhân dịp “đón” Gôđa
Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp, Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp phải cử một phái đoàn do Giuyxtanh Gôđa (Justin Godart) dẫn đầu sang Đông Dương để điều tra tình hình.
Các lực lượng dân chủ và quần chúng lao động Việt Nam đón nhận sự kiện này như một cơ hội để biểu dương lực lượng và đưa ra những yêu sách đòi quyền dân sinh, dân chủ, đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ các chính sách tích cực của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp chống lại chính sách thực dân của bọn phản động thuộc địa. Ở tất cả các nơi Gôđa tới, được sự chỉ đạo của các chiến sĩ cộng sản, quần chúng và các tổ chức dân chủ đã tổ chức các cuộc biểu tình, đưa kiến nghị và hô vang các khẩu hiệu “Ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp”, “Tự do dân chủ”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Bỏ thuế thân”, “Đại xá chính trị phạm”…
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày 1-1-1937, 5.000 nhân dân Sài Gòn tiến vào bến cảng “đón” G. Gôđa. Từ Sài Gòn, phái đoàn qua Campuchia – Lào, tới Vinh (ngày 29-1), rồi đến Hà Nội (ngày 30-1). Tại Hà Nội, ngày 31-1, Gôđa đã chứng kiến một cuộc biểu tình của 30.000 quần chúng do những người cộng sản trong nhóm Le Travail (Lao động) tổ chức. Tiếp đó, Gôđa đi thăm một số địa phương như Hà Đông, Hòn Gai, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá và trở lại Vinh lần thứ hai (23-2) trong không khí đấu tranh sôi sục của 1.000 công nhân Nhà máy xe lửa Tràng Thi, 3.000 nông dân Nghi Xuân, Can Lộc và đại diện đông đảo các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống các thủ đoạn đàn áp của chính quyền thực dân, đòi tiếp xúc với Gôđa.
Tại Huế có 20.000 quần chúng với tinh thần kỷ luật cao được sự lãnh đạo của những người cộng sản đã kiên trì chờ đợi ba ngày liền (từ ngày 24 đến ngày 26-2) để gặp Gôđa. Ngày 1-3, Gôđa dừng lại ở Quảng Ngãi, sau đó trở lại Sài Gòn, tiến hành một số chuyến đi tới vùng Hậu Giang. Ngày 13-3, Gôđa trở về Pháp sau một cuộc mít tinh tiễn đưa của hàng ngàn người để trao cho phái đoàn một bản kiến nghị gồm chín điểm nhấn mạnh đến những yêu sách đòi quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương. Sự kiện này không chỉ có tác động mạnh mẽ với đại diện của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp mà điều quan trọng hơn là nó làm dấy lên một cao trào đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ trên khắp cả nước.
– Những sự kiện đấu tranh ở Việt Nam trong những năm 1936-1937, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1954), sơ thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, t.1.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên – Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên – Huế (1930-1954), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, t. I.
– Lịch sử các địa phương: Nghệ An, Hà Tĩnh.
THÁNG 5
Thành lập lại các Ban Tỉnh uỷ Nam Định, Hà Nam
Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng một số đảng viên tỉnh Nam Định vừa ra tù như đồng chí Đặng Hữu Rạng, Đặng Xuân Thiều, Trần Cung cùng với đại biểu Thái Bình, Hà Nam, họp tại thôn Một, Nam Hồng (nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Trực) để thành lập Liên Tỉnh uỷ lâm thời Hà – Nam – Thái và bàn việc thành lập lại các Ban Tỉnh ủy của ba tỉnh.
Sau Hội nghị, Ban Tỉnh uỷ lâm thời Nam Định được hình thành gồm các đồng chí Đặng Hữu Rạng (tức Đặng Việt Châu), Trần Hoạt, Đặng Xuân Thiều, sau thêm đồng chí Bùi Minh Hách và nữ đồng chí Liên (tức Minh Lãng) do đồng chí Đặng Hữu Rạng làm Bí thư Tỉnh uỷ. Được một thời gian, Xứ uỷ điều động đồng chí Đặng Hữu Rạng phụ trách Liên Tỉnh uỷ C1, đồng chí Trần Hoạt lên thay làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Một số đại biểu sau khi đi dự Hội nghị thành lập Liên Tỉnh uỷ trở về được giao nhiệm vụ tiến hành tổ chức Hội nghị thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam, nhưng việc chuẩn bị Hội nghị chưa tốt nên Ban Tỉnh uỷ lâm thời chưa có hoạt động thực sự, chưa đưa được phong trào lên.
Giữa năm 1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ triệu tập cuộc họp các Đảng bộ một số tỉnh ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Trong Hội nghị, Xứ uỷ phổ biến Chỉ thị của Trung ương Đảng về Chiến sách mới vạch ra chương trình hoạt động công khai và bàn việc phát triển các tổ chức bí mật của Đảng. Hội nghị cử một Xứ uỷ viên về Hà Nam chuẩn bị cho việc thành lập Ban Tỉnh uỷ chính thức, nhưng do khó khăn về nhân sự, mãi đến đầu năm 1938, Hà Nam mới thành lập được Tỉnh uỷ do đồng chí Nguyễn Đức Quỳ làm Bí thư.
Ban Tỉnh uỷ Nam Định, Hà Nam đưa thành lập đã đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Hà: Lịch sử Đảng bộ Nam Hà (1930-1954), Nam Hà, 1996, t. I.
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định: Lịch sử Đảng bộ Nam Định 1930-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. I.
NGÀY 15-1
Báo Nhành lúa của những người cộng sản ở Trung Kỳ ra số đầu
Trong quá trình hoạt động cách mạng, những người cộng sản đã sử dụng báo chí làm vũ khí chiến đấu.
Vì vậy cũng như ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ trong thời kỳ vận động Mặt trận dân chủ, hoạt động báo chí công khai của những lực lượng tiến bộ mà hạt nhân là các chiến sĩ cộng sản ở Trung Kỳ diễn ra rất sôi nổi. Tại Vinh, từ 6-1-1937 đã ra mắt số đầu tiên của tờ Đông Dương hoạt động xuất bản hàng tuần bằng hai thứ tiếng Pháp – Việt. Nhưng chỉ từ sau khi các chiến sĩ cộng sản ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp đã hợp lại và dùng báo chí như một vũ khí chiến đấu, thì những tờ báo cách mạng thực sự mới ra đời.
Trong số báo chí cách mạng đó, tiêu biểu là tờ Nhành lúa, số 1 ra ngày 15-1-1937 tại Huế do Hải Triều (tức Nguyễn Khoa Văn) làm chủ bút. Tờ báo ra được đến số 9 (19-3-1937) thì bị đình bản. Mặt trận đấu tranh trên lĩnh vực báo chí công khai của những người cộng sản ở Trung Kỳ được nối tiếp bằng các tờ Sông Hương tục bản (19-6-1937). Cũng nằm trong khuôn khổ các tờ báo do Xứ uỷ I Trung Kỳ chủ trương còn phải kể đến các tờ Dân muốn (số 1 ra ngày 20-12-1938, số cuối ngày 25-1-1939), Dân tiến – cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến (số 1 ra ngày 27-10-1938, số cuối ra ngày 12-12-1938, tổng cộng là 5 số) cả hai tờ báo này đều do đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo nhưng được in tại Sài Gòn.
Về báo chí tiến bộ ở Trung Kỳ, giai đoạn này còn phải kể đến các tờ Kinh tế tân văn ở Huế (số 1 ra ngày 9-1- 1937 và số cuối là số 4 ngày 24-4-1937) và tờ Dân xuất bản ở Huế (số 1 ra ngày 6-7-1938, số cuối cùng số 17 ngày 7-10-1938).
Mặc dù được xuất bản với số lượng không nhiều, chỉ được mấy số rồi bị đình bản, nhưng báo Nhành lúa cũng như các tờ báo tiến bộ khác ở Trung Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng nhân dân đi theo đường lối của Đảng.
– Đỗ Quang Hưng: Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 247-329.
– Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-1945), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 143-149.
TỪ NGÀY 16 ĐẾN NGÀY 27-1
Phong trào đấu tranh của thợ may
Trước sự áp bức bóc lột của bọn chủ Pháp ở các nhà máy, giai cấp công nhân đặc biệt là công nhân ngành may đã vùng dậy đấu tranh.
Cuộc đấu tranh nổ ra trước hết ở Hà Nội rồi lan dần sang các thành phố khác: sáng ngày 16-1, 2000 công nhân may Hà Nội bãi công đưa yêu sách đòi tăng lương 40%, trả lương ngày chủ nhật, một năm nghỉ 15 ngày có lương, đau ốm được phụ cấp, lập giao kèo quy định giờ làm và mức lương, tự do nghiệp đoàn. Cuộc bãi công kéo dài 6 ngày liền, bọn chủ phải nhượng bộ giải quyết các yêu sách trên.
Hưởng ứng cuộc đấu tranh của thợ may Hà Nội, công nhân may ở các thành phố khác cũng lần lượt bãi công.
Ngày 19-1-1937, 300 thợ may Hải Phòng đình công đưa yêu sách đòi tăng lương 10%, làm việc 9 giờ một ngày, lập nghiệp đoàn…
Ngày 21-1-1937, hơn 100 thợ may quần áo phụ nữ ở Hà Nội cũng bãi công đòi tăng lương từ 30-50%, giảm giờ làm xuống 12 giờ một ngày.
Ngày 22-1-1937, 200 thợ may Vinh – Bến Thuỷ bãi công đòi tăng lương 40%, giảm giờ làm xuống 10 giờ một ngày.
Ngày 23-1-1937, khoảng 100 thợ may Thành phố Nam Định bãi công đòi tăng 30% lương, giảm giờ làm 10 giờ một ngày.
Ngày 27-1-1937, hầu hết thợ may ở các nhà may Huế nhất loạt tổng bãi công đòi tăng lương khoán lên 30%, lương người làm công lên 20%, ngày làm 10 giờ, chủ nhật nghỉ có lương, một năm nghỉ 4 ngày có lương vào dịp tết, không đuổi thợ sau bãi công… Đại biểu thợ đòi tăng lương thêm nữa, nếu không công nhân sẽ kiên quyết bãi công đến cùng. Đêm hôm đó bọn chủ phải họp bàn và chịu tăng lương cho thợ. Được biết bọn chủ đã chịu tăng lương 40% cho thợ khoán và chịu giải quyết năm yêu sách, anh em mới chịu trở lại làm việc. Cuộc bãi công kết thúc thắng lợi.
Cuộc bãi công của công nhân ngành may có tác dụng lớn trong việc cổ vũ công nhân các ngành nghề khác vùng dậy đấu tranh đòi quyền lợi.
– Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành uỷ Hà Nội: Những sư kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1982, t.1.
– Trần Văn Giàu: Giai cấp công nhân Việt Nam từ Đảng Cộng sản thành lập đến cách mạng thành công (1936-1939), Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, t. II, tr. 237-241.
NGÀY 15-1
Những cuộc biểu tình nhân dịp Bơrêviê sang làm Toàn quyền Đông Dương
Ngày 14-1-1937, Bơrêviê (Brévié) chính thức nhậm chức Toàn quyền Đông Dương.
Việc Bơrêviê nhậm chức Toàn quyền Đông Dương đã làm dấy lên nhiều hoạt động của quần chúng và các tổ chức xã hội nhằm biểu lộ thái độ đòi chính quyền Pháp ở Đông Dương phải tiến hành những cải cách cho phù hợp với việc Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền ở chính quốc.
Từ ngày 15-1-1937, ở Sài Gòn Hà Nội và nhiều nơi khác, hàng vạn quần chúng tham gia biểu tình, giương cao những khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp”, “Tự do ngôn luận”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Đại xá chính trị phạm”, “Bỏ thuế thân”…
Chính quyền phản động thuộc địa đã đàn áp những đoàn biểu tình ở Sài Gòn, cho cảnh sát dùng dùi cui giải tán các đoàn thể nhân dân tập trung trên các đường phố Sácne, Étpanhơ, Penlơranh (Charner, Espagne, Pellerin) làm hàng trăm người bị thương. Một số đảng viên hoạt động công khai ở Sài Gòn đã trực tiếp đến gặp Bơrêviê phản đối hành động tàn bạo của nhà cầm quyền Pháp và đòi Bơrêviê thi hành những cải cách dân chủ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc biểu tình nhân dịp Bơrêviê sang nhậm chức Toàn quyền là cuộc biểu dương lực lượng và ý chí đoàn kết đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân ta và tố cáo chế độ phản động của thực dân Pháp.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1954), sơ thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 1995, t. 1.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004.
THÁNG 1
Đại biểu báo Le Travail (Lao động) giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ
Thực hiện chủ trương tranh thủ một hình thức hoạt động công khai để mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ – những người cộng sản đưa đồng chí Trịnh Văn Phú – quản lý tờ Le Travail ra tranh cử.
Trong những ngày vận động tranh cử ứng cử viên của Đảng không có phương tiện vật chất, chỉ có báo chí và truyền đơn, áp phích, nhưng quần chúng lao động vẫn nhiệt tình ủng hộ. Thanh niên, công nhân, học sinh tự động phân công nhau đi rải truyền đơn, canh gác suốt ngày đêm những nơi dán áp phích, cổ động bầu cho ứng cử viên của quần chúng. Nhiều cử tri, là công thương gia, trí thức đã đến thẳng toà báo nói: “Các anh không cần vận động chúng tôi Báo Le Travail bênh vực quyền lợi cho chúng tôi thì đời nào chúng tôi lại bầu cho kẻ thân Tây”. Buổi tối, quần chúng nhân dân đứng rất đông dọc Bờ Hồ, trước toà Đốc Lý để chờ tin kiểm phiếu.
Kết quả, đồng chí Trịnh Văn Phú trúng cử với số phiếu rất cao (802/1240 cử tri, hơn ứng cử viên của nhà cầm quyền 363 phiếu). Có nhà tư sản dân tộc đã cho mượn ô tô để đưa đồng chí Trịnh Văn Phú đi khắp thành phố ra mắt cử tri và quần chúng nhân dân lao động.
Qua thắng lợi này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thấy được sự ủng hộ to lớn của nhân dân lao động đối với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng.
Thắng lợi qua cuộc bầu cử cũng mở đầu cho những hoạt động của những người cộng sản trên lĩnh vực nghị trường tại Bắc Kỳ.
– Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành uỷ Hà Nội: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1982, t.1, tr. 77-78.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004.
THÁNG 1
Phong trào đấu tranh của công nhân
Đầu năm 1937, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ.
Ở cả ba kỳ đã diễn ra 77 cuộc đấu tranh với hơn 20.000 người thuộc các lĩnh vực công nghiệp, đồn điền, chủ nhỏ Việt Nam.
Trên một phần ba số cuộc đấu tranh nổ ra ở khu công nghiệp và đồn điền. Số công nhân công nghiệp và đồn điền tham gia bãi công trong tháng 1 là 14.603 người (gồm 70% tổng số người đấu tranh). Sài Gòn, Chợ Lớn là nơi tập trung các cuộc đấu tranh của công nhân các xí nghiệp công nghiệp.
Tháng 1-1937, ở Hà Nội, những cuộc bãi công của thợ thủ công diễn ra rất sôi nổi.
Tháng 1 là tháng có số cuộc và số người đấu tranh cao nhất trong năm 1937. Các cuộc bãi công đã diễn ra cả ở khu công nghiệp và các ngành nghề thủ công với một khí thế mạnh chưa từng có. Đặc biệt là các ngành nghề thủ công, là nơi từ trước đến nay khó vận động những cuộc đấu tranh có ý thức giai cấp , vì ở những nơi này, quan hệ giữa thợ và chủ thường mang tính chất phường bạn hay gia tộc.
Chính quyền thực dân phải thừa nhận phong trào công nhân trong tháng 1-1937 là một phong trào vừa có tính chất kinh tế, vừa có tính chất chính trị.
– Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành ủy Hà Nội: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội, Nxb Hà Nội, 1982, t. 1.
– Trần Văn Giàu: Giai cấp công nhân Việt Nam từ Đảng Cộng sản thành lập đến cách mạng thành công (1936-1939), Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, t. II, tr. 237-240.
NGÀY 2-2
Cuộc đấu tranh của 8.000 công nhân Nhà máy sợi Nam Định
Ngay từ đầu năm 1937, tổ chức Đảng Nhà máy sợi Nam Định quyết định sẽ tổ chức một cuộc đấu tranh lớn đòi bọn chủ phải thi hành Luật Lao động2 tăng lương, giảm giờ làm, không được đánh đập công nhân; bảo đảm quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập nghiệp đoàn của công nhân. Một Uỷ ban đấu tranh được thành lập với các tiểu ban Tuyên truyền vận động, Điều tra, Bảo vệ, Tài chính.
Ngày mở đầu cuộc đấu tranh chưa được ấn định thì đêm 2-2-1937 xảy ra việc tên đốc công Phờlôrêvơ đánh ngã gục một công nhân ở Nhà sợi B. Toàn thể công nhân hãm máy phản đối. Nhân sự kiện này, Uỷ ban đấu tranh đã kịp thời lãnh đạo công nhân các Nhà sợi A, Dệt A, Dệt B đình công. Ngày 3-2-1937, toàn thể công nhân xưởng nhuộm, xưởng chăn và công nhân Nhà máy tơ đều nghỉ việc hưởng ứng. Cuộc đình công lên tới 8000 người tham gia.
Uỷ ban đấu tranh gửi yêu sách qua bưu điện đòi chủ nhà máy phải thi hành luật lao động, bỏ hẳn đánh đập, mở thêm cửa sổ các buồng máy cho công nhân uống nước hợp vệ sinh, tăng lương cho công nhân, giảm giờ làm, không được đuổi thợ đình công. Ngày 4-2-1937, Uỷ ban đấu tranh tổ chức mít tinh lớn ở Văn Miếu có diễn thuyết, rải truyền đơn vạch rõ bản chất ngoan cố của bọn chủ, kêu gọi công nhân kiên trì đấu tranh. Mít tinh xong, công nhân xếp hàng 5 biểu tình qua cảng nhà máy và những nơi tập trung đông người như chợ Rồng, bến xe. Uỷ ban đấu tranh còn cử đại biểu đi gặp Nghị trưởng Viện Dân biểu Bắc Kỳ, gặp Gôđa, Thanh tra lao động của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp đòi can thiệp. Báo chí công khai của Đảng kịp thời biểu dương ý chí đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi, kêu gọi quần chúng khắp nơi ủng hộ.
Cuối tháng 2, bọn chủ phải giảm giờ làm việc từ 12 giờ xuống 8 giờ theo luật lao động và tăng lương 25% cho công nhân. Công nhân vừa trở lại làm việc, bọn chủ lại kiếm cớ đuổi một số công nhân mà chúng nghĩ là cầm đầu phong trào, âm mưu tuyển người mới vào để thay thế dần những công nhân đã tham gia đấu tranh. Trước sự lật lọng của bọn chủ, ngày 23-2, hơn 1000 công nhân lại bãi công. Ngày 2-3, toàn thể công nhân các xưởng dệt đóng máy lại để đấu tranh. Ý chí đấu tranh kiên trì, triệt để của công nhân và sức ép của bầu không khí chính trị lúc đó đã buộc bọn chủ tư bản Pháp phải chấm dứt việc đuổi thợ bãi công, chấm dứt những hành động vi phạm trắng trợn quyền lợi của công nhân.
Đây là cuộc đấu tranh kéo dài nhất, thu hút đông đảo công nhân tham gia và cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, áp dụng hình thức đấu tranh công khai, nêu ra những khẩu hiệu có cơ sở pháp lý, buộc kẻ địch phải thực hiện các yêu sách chính đáng của đông đảo công nhân, chặn đứng những hành động tàn ác của chủ nhà máy và tay sai.
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1930-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. I.
THÁNG 2
Lập đại lý sách báo của Đảng ở Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình
Tranh thủ điều kiện hợp pháp, Đảng bộ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình chủ trương xuất bản một số sách báo nhằm công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, giới thiệu đường lối, chủ trương của Đảng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh.
Đầu tháng 2-1937, một số đảng viên và quần chúng cách mạng ở Nam Định lập một cơ quan đại lý phát hành sách, báo ở địa phương, lấy tên là Đại lý sách báo cánh tả. Đại lý này đã lần lượt đặt ở các nhà số 47B Đồng Khánh (phố Hàng Thao), số 58 phố Cờlêmăngxô (Clemenceau – đường Trần Phú ngày nay), số 224 đường Pôn Bê (Paul Bert – đường Trần Hưng Đạo ngày nay) và số 24 phố Hàng Đàn (nay là phố Hai Bà Trưng). Từ tháng 9-1937, đại lý này do đồng chí Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ) phụ trách.
Ở Hà Nam, đại lý sách báo của Đảng được đặt ở các cửa hiệu Việt Dân, Vĩnh Long (thị xã Phủ Lý), Nam Kim (huyện Kim Bảng). Ở Ninh Bình, tại hiệu Ích Nguyên Đường (thị trấn Nho Quan).
Từ những đại lý này, sách báo của Đảng toả ra nhiều nơi trong tỉnh, nhất là ở những nơi có cơ sở và phong trào cách mạng như vùng An Cừ (huyện Ý Yên); Lạc Nghiệp, Thọ Vực (huyện Xuân Trường); Khả Phong, Thuỵ Sơn (huyện Kim Bảng); Hữu Thường (huyện Gia Viễn)...
Ngoài việc phát hành sách báo của Đảng và các sách báo tiến bộ khác, những cơ quan này còn là đại diện công khai của Đảng bộ tiếp xúc với quần chúng, thu thập nguyện vọng của quần chúng, hướng dẫn quần chúng cách tổ chức và đấu tranh trong suốt thời kỳ 1936- 1939.
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định 1930-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. I.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Hà: Lịch sử Đảng bộ Nam Hà (1930-1954), Nam Hà, 1996, t. I.
– Tỉnh uỷ Ninh Bình: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Bình (1930-1975), Ninh Bình, 1996, t. 1.
THÁNG 3
Tái lập Xứ uỷ Bắc Kỳ
Từ cuối năm 1936, các cơ sở Đảng dần dần được chắp nối lại do Ban Cán sự Đảng chỉ đạo (Uỷ ban sáng kiến). Qua phong trào đấu tranh, ta đã phát triển thêm được một số đảng viên ở các ngành nghề và trong Đoàn Thanh niên Cộng sản, một số đồng chí mới ra tù trở lại hoạt động.
Trên cơ sở đó, tháng 3-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được thành lập do đồng chí Hoàng Tú Hưu làm Bí thư, tham gia Xứ uỷ còn có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Minh, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Đinh Xuân Nhạ, Đặng Xuân Khu… Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hạ Bá Cang được cử làm đại diện Xứ uỷ đi họp Hội nghị Trung ương (họp từ ngày 25-8 đến ngày 4-9-1937). Hai đồng chí đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Các đồng chí Nguyễn Văn Minh, Tô Hiệu, Hoàng Tú Hưu làm công tác nội bộ của Xứ. Đồng chí Đặng Xuân Khu phụ trách công tác công khai và báo chí.
Xứ uỷ Bắc Kỳ được thành lập đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lãnh đạo nhân dân Bắc Kỳ đấu tranh cách mạng giành quyền tự do, dân chủ.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004.
THÁNG 3
Tái lập Thành uỷ Hà Nội
Sau khi được tái lập, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã xúc tiến việc tái lập Thành uỷ Hà Nội.
Trong tháng 3-1937, Thành uỷ Hà Nội được tái lập do đồng chí Lương Khánh Thiện – Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ trực tiếp làm Bí thư. Cùng tham gia Thành uỷ còn có các đồng chí Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Đạt (tức Lộc Ái), Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh. Phạm vi chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội lúc này gồm cả Sơn Tây và Hà Đông.
Cho tới khi Thành uỷ Hà Nội được tái lập, toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 20 chi bộ, gồm những đồng chí đã hoạt động cũ, mới ra tù, một số mới được kết nạp. Trong số những chi bộ này, chi bộ ngành in có sớm nhất do đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh làm Bí thư. Chi bộ ra đời chứng tỏ sự trưởng thành của phong trào và sự lãnh đạo chặt chẽ của Thành uỷ Hà Nội đối với công tác công khai và công tác bí mật.
Thành uỷ Hà Nội ra đời đáp ứng được yêu cầu bức thiết của các cơ sở Đảng và quần chúng nhân dân. Từ đây, nhân dân Hà Nội có một cơ quan lãnh đạo chính thức, dẫn dắt quần chúng đứng lên đấu tranh.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004.
NGÀY 20-3
Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Thông cáo gửi các cấp bộ Đảng
Ngày 13, 14-3-1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng. Sau Hội nghị, ngày 20-3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Thông cáo gửi các cấp bộ Đảng hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng.
Về các vấn đề tổ chức chung: Ban Chấp hành Trung ương chỉ ra những điểm về Điều lệ Đảng, hiện tại vẫn là bản Điều lệ do Đại hội Đảng chuẩn y năm 1935, nhưng bỏ bớt đi mấy đoạn về việc hạn chế tuổi vào Đảng và sự liên hệ của Đảng Cộng sản với Thanh niên Cộng sản Đoàn để cho thích hợp với con đường chính trị mới, các hội quần chúng cũng phải chỉnh đốn và cải tổ lại cho thích hợp với hoàn cảnh cụ thể; về tổ chức của thanh niên, Đảng quyết định lập ra “Đông Dương Thanh niên Phản đế Đoàn” thay cho Thanh niên Cộng sản Đoàn; lập Hội “Cứu tế bình dân” thay cho “Cứu tế đỏ”.
Trung ương chỉ rõ, phải lợi dụng hoàn cảnh để tổ chức các hội quần chúng công khai và bán công khai, nơi nào không lợi dụng được thì tổ chức bí mật. Trung ương đã tuyên bố thủ tiêu các kế hoạch tổ chức trong bức thư ngày 26-7-1936 và ngày 13-8-1936.
Vấn đề thanh Đảng: các Đảng bộ phải thận trọng và cương quyết trong điều tra lý lịch của mỗi đảng viên trong cấp bộ của mình, nếu có phần tử phản động thì phải khai trừ, nếu có đảng viên lười biếng không chịu nghiên cứu đường lối của Đảng thì phải khuyến khích và huấn luyện họ; đối với những phần tử khả nghi thì đình chỉ công tác ngay.
Mỗi một đảng viên phải là người chỉ đạo, người chịu sứ mệnh đi phổ biến tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy phải lựa chọn đảng viên cho đúng tiêu chuẩn không để những phần tử phức tạp vào Đảng
Tham gia các cuộc tuyển cử: Đảng chủ trương tham gia các cuộc tuyển cử, chọn người ra tranh cử, thảo ra chương trình hành động để tập hợp quần chúng và thương lượng với các đảng cấp tiến dồn phiếu cho người ửng cử của Mặt trận; đẩy mạnh tuyên truyền những khẩu hiệu của Đảng trong dịp bầu cử và đấu tranh nghị trường để bênh vực quyền lợi của quần chúng.
Đối với phong trào thỉnh nguyện: chính quyền thuộc địa đã giải tán hết các phong trào “Thỉnh nguyện” cấm Đông Dương Đại hội, bắt bớ giam cầm những chiến sĩ Đông Dương Đại hội… cho nên các cấp Đảng bộ tuỳ theo hoàn cảnh để gây dựng lại phong trào, soạn những bản “dân nguyện” để tuyên truyền.
Lập Mặt trận Thống nhất nhân dân Đông Dương: theo tình hình hiện tại ở Đông Dương thì cần phải thiết lập ra Mặt trận Thống nhất nhân dân Đông Dương, bao gồm đại đa số nhân dân đoàn kết chung quanh bản chương trình hành động tối thiểu; tuỳ theo điều kiện từng nơi mà vận động lập Mặt trận, có thể lập từ trên xuống hay từ dưới lên, cần vận động các đảng phái, các đoàn thể của nhân dân để thành lập các Uỷ ban liên hiệp để hành động; trước hết các Đảng bộ cần xây dựng cơ sở của Mặt trận, lập ra các hội quần chúng có tính chất công khai và nửa công khai để lấy danh nghĩa các đoàn thể ấy mà cử đại biểu tham gia các cơ quan liên hiệp hành động.
Vấn đề tuyên truyền và cổ động: các cấp bộ Đảng phải khuyến khích những người cảm tình, đứng tên xin xuất bản những tờ báo công khai, mỗi một chi bộ phải lập “bình dân thư xã”, viết những quyển sách công khai để làm tài liệu tuyên truyền; các cấp đảng bộ từ tỉnh trở lên phải lập ra các ban huấn luyện.
Đối với Chính phủ Bơlum: Trung ương nhắc lại rằng, Đảng hoàn toàn ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, ủng hộ Chính phủ Bơlum, không quên vận động quần chúng đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày.
Cuối cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh rằng, những điều trên đây có tính chất bí mật, nội bộ, còn với các vấn đề chính trị và tổ chức khác có thể công khai được Đảng sẽ viết lên báo để tuyên truyền.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 211-220.
NGÀY 26-3
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản cuốn sách Chủ trương tổ chức mới của Đảng
Đảng ta đổi sách lược (tactique) mà không thay đổi chiến lược (stratégie), vì đổi sách lược nên phải đổi đường lối tổ chức lại cho thích hợp với đường lối chính trị mới.
Vì vậy, ngày 26-3-1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xuất bản cuốn sách Chủ trương tổ chức mới của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương đặt vấn đề: Tại sao phải đổi kế hoạch tổ chức? Đó là do “Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có một đường tổ chức mới”.
Đường lối chính trị mới của Đảng ta lúc này là: liên hiệp hành động với các đảng phái, các đoàn thể các tầng lớp nhân dân để thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân Đông Dương, chống bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai, đòi những quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời Đảng còn chủ trương liên hiệp hành động với các đoàn thể tả phái của người Pháp ở Đông Dương, chống phát xít chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do cơm áo và hoà bình.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhắc lại mục đích và nhiệm vụ của Đảng: “Chúng ta không bỏ chương trình và mục đích của mình, không bỏ nguyên tắc giai cấp tranh đấu, không thủ tiêu cách mạng phản đế và thổ địa, không lãng bỏ nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động dân tộc giải phóng; nhưng hiện thời Đảng ta và quần chúng chưa có những điều kiện khách quan và chủ quan đầy đủ mà thực hành ngay tức khắc, trực tiếp những nhiệm vụ vĩ đại quan trọng đó…”.
Về tổ chức Đảng, Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ: Phải nghiên cứu Điều lệ Đảng (nhất là những điều kiện vào Đảng) mà kết nạp đảng viên mới. Lúc này không hạn chế tuổi vào Đảng là cốt để cho những phần tử trẻ tuổi nhưng đủ điều kiện trở thành đảng viên có thể vào Đảng được. Đảng phải kết nạp những người có tinh thần cách mạng hăng hái trong nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân khác vào Đảng.
Tuy nhiên không bao giờ quên được rằng, Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng của giai cấp vô sản, phải chú ý kết nạp công nhân vào hàng ngũ của Đảng nhất là ở trong các cơ quan chỉ đạo; đưa những người hăng hái trong giới phụ nữ lao động, người nước ngoài và người các dân tộc thiểu số vào hàng ngũ của Đảng, phải đề phòng những phần tử phản động cơ hội vào hàng ngũ Đảng. Mỗi đảng viên là một người lãnh đạo quần chúng; vì thế những phần tử rụt rè, do dự, cơ hội, không thể dung thứ được trong Đảng. Đối với các hội quần chúng, Đảng là người chỉ đạo về đường lối chính trị. Vì thế, Đảng không có quyền và không nên mệnh lệnh, phải chỉ đạo các hội quần chúng bằng Đảng đoàn, không nên và không đủ năng lực mà bao biện hết các công tác nội bộ của quần chúng.
Về tổ chức thanh niên: Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập “Đông Dương Thanh niên Phản đế Đoàn” thay cho “Thanh niên Cộng sản Đoàn”. Vì vậy, phải giúp Đoàn Thanh niên Phản đế tổ chức ra những đoàn thể: Thanh niên khai trí, thanh niên tân tiến, thanh niên dân chủ, thanh niên văn hoá, các hội mỹ thuật, hội thể dục, hội học sinh… nên tổ chức theo hình thức công khai và nửa công khai. Các hội ấy do Đoàn Thanh niên Phản đế trực tiếp tổ chức và chỉ đạo.
Về tổ chức công nhân: Nhiệm vụ của Đảng là tổ chức công nhân và lập Mặt trận Thống nhất của giai cấp vô sản, sử dụng hình thức công khai và nửa công khai mà tổ chức ra các hội ái hữu, tương tế để đoàn kết công nhân và bênh vực quyền lợi cho họ. Tuy tên là ái hữu và tương tế… nhưng nội dung và công tác Công hội, không lấy tên là Công hội đỏ mà lấy tên là Công hội thống nhất.
Về tổ chức nông dân: Hình thức tổ chức của nông dân là Nông hội. Đảng không chủ trương tổ chức Nông hội đỏ mà tuỳ sáng kiến của quần chúng mà lập ra những hội lấy tên là ái hữu, tương tế, hợp tác xã,… (nhưng nội dung là Nông hội) và bao gồm nông dân lao động (trung nông, bần nông và cố nông).
Về tổ chức phụ nữ: Phải chú ý kết nạp phụ nữ vào Đảng, Thanh niên Đoàn, Công hội, Nông hội, Hội Cứu tế bình dân,… cần lập ra những Hội Phụ nữ giải phóng, Phụ nữ dân chủ, Phụ nữ tân tiến, Phụ nữ hỗ trợ... và có thể thì thống nhất thành “Phụ nữ liên hiệp hội”, chủ trương vận động phụ nữ trong địa phương và toàn xứ Đông Dương.
Về tổ chức binh lính: Từ Trung ương cho tới các tỉnh uỷ và ở các địa phương có lính đóng, cần lập ra các uỷ ban đặc biệt vận động binh lính. Đảng chủ trương tổ chức những chi bộ Đảng trong quân đội, đồng thời phải lập ra những Hội Thể thao, Văn hoá, Cứu tế, Ái hữu,..
Về Hội cứu tế bình dân: Đảng chủ trương thủ tiêu tên Hội Cứu tế đỏ, lập ra Hội “Đông Dương Cứu tế bình dân”. Ngoài ra, Đảng phải lợi dụng các Hội Cứu tế, từ thiện… mà cứu giúp cho những người bị đế quốc và phong kiến đàn áp.
Cuối cùng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Nói chung thì về đường tổ chức, Đảng ta phải dùng nhiều hình thức mà đoàn kết dân chúng, nhưng Đảng phải lợi dụng đủ phương pháp mà giúp các hội quần chúng thống nhất tập trung lại”.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 221-247.
NGÀY 27-3
Hội nghị báo giới Trung Kỳ
Nhằm đẩy mạnh hoạt động báo chí cách mạng và tập hợp lực lượng báo chí tiến bộ thành một mặt trận thống nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương tích cực vận động thành lập một tổ chức của các nhà báo tiến bộ đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân chủ khác.
Trung Kỳ là nơi đầu tiên giới báo chí, mà hạt nhân là các nhà báo cộng sản tổ chức được hình thức “Hội nghị báo giới”.
Ngay từ ngày 15-1-1937, báo Nhành lúa số đầu tiên đã đăng lời kêu gọi của 17 nhà báo, trong đó có những nhà báo nổi tiếng như Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Lâm Mộng Quang,… về việc triệu tập Hội nghị báo giới Trung Kỳ. Ngày 23-3, báo Nhành lúa lại đứng ra tổ chức một cuộc họp trù bị tại trụ sở Hội Quảng Trị (Huế) và được những chí sĩ nổi tiếng như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng gửi thư cổ vũ.
Tám giờ sáng ngày 27-3-1937, Hội nghị Báo giới Trung Kỳ được khai mạc tại Đông Pháp lữ quán (số 7 Đông Ba – Huế) với 70 đại biểu của các báo Trung Kỳ và đại biểu báo chí cách mạng của Bắc Kỳ (Võ Nguyên Giáp của tờ Rassemblement và Hà Huy Giáp của tờ Tiếng trẻ).
Hội nghị thông qua chương trình nghị sự: kêu gọi lập một Mặt trận thống nhất của những người làm báo ở Đông Dương, yêu cầu được tự do xuất bản… và thành lập Hội ái hữu Báo giới Trung Kỳ. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị này, ngày 30-3-1937, một Uỷ ban thường trực bàn về việc chuẩn bị Hội nghị báo giới toàn quốc đã được triệu tập gồm 12 người, nhưng sau đó chính quyền thực dân tìm cách đối phó quyết liệt, ra lệnh cấm mọi hoạt động nhằm thực hiện những mục tiêu mà Hội nghị đặt ra.
Hội nghị Báo giới Trung Kỳ được tổ chức là một thắng lợi lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương và nó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động báo chí tuyên truyền.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên – Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên – Huế (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. I.
– Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-1945), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr. 179-180.
THÁNG 4
Thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Thừa Thiên – Huế
Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ, các tổ chức cơ sở Đảng ở Thừa Thiên – Huế đã phát động quần chúng nhân dân đấu tranh trong phong trào Mặt trận Dân chủ. Ảnh hưởng của Đảng ngày càng lan rộng trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, Xứ uỷ Trung Kỳ chủ trương thành lập lại Tỉnh uỷ và tổ chức cơ sở Đảng ở Thừa Thiên – Huế.
Tháng 4-1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu – Uỷ viên Trung ương Đảng thay mặt Xứ uỷ Trung Kỳ, triệu tập các đồng chí đảng viên chủ chốt trong tỉnh đến vườn hoa trước bệnh viện Huế để bàn bạc công việc và củng cố lại Tỉnh uỷ.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phan Đăng Lưu, Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên, Trần Công Xứng, Bùi San.
Sau khi nhận định, đánh giá tình hình phong trào cách mạng trong toàn tỉnh đồng chí Nguyễn Chí Diểu tuyên bố thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Thừa Thiên – Huế. Đồng chí Trần Công Xứng, Xứ uỷ viên được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đồng chí Tô Thuyên được Tỉnh uỷ phân công phụ trách lực lượng lao động thành thị. Đồng chí Lê Tự Nhiên phụ trách công nhân các xí nghiệp, công sở, đồng chí Bùi San phụ trách vùng nông thôn. Cuối năm 1937, Xứ uỷ giới thiệu đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Tỉnh uỷ.
Sau khi Tỉnh uỷ lâm thời thành lập, dưới sự chỉ đạo của Xứ uỷ và Tỉnh uỷ, Thành uỷ Huế được thành lập gồm các đồng chí Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên, Phan Văn Đạt 3. Đồng chí Lê Tự Nhiên được cử làm Bí thư Thành uỷ.
Tỉnh uỷ ra đời đã nhanh chóng tiến hành thành lập các chi bộ Đảng ở các cấp huyện, phát triển cơ sở Đảng, chuẩn bị đưa phong trào trong tỉnh tiến lên một bước mới.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên – Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên – Huế (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. I.
NGÀY 5-4
Công nhân Xưởng Ba Son Sài Gòn bãi công
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ, cải thiện đời sống của công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác phát triển mạnh mẽ trong năm 1936 và những tháng đầu năm 1937, đặc biệt là phong trào của công nhân thành phố. Trong năm 1937, nổi bật nhất là cuộc bãi công của toàn thể công nhân Xưởng Ba Son nổ ra ngày 5-4-1937.
Công nhân Ba Son đấu tranh đòi:
– Cho công nhân làm việc theo số giờ cũ, nếu không thì khoán việc từ 11 giờ 30 đến 14 giờ 30, sở phải trả thêm tiền phụ cấp 5%, nếu làm thêm từ 5 giờ 30 chiều trở đi thì phụ cấp phải tăng gấp đôi.
– Cho những người đã tập sự được ba năm và đã bị sa thải được vào làm lại.
– Cho những người bị tình nghi hoạt động chính trị được trở lại làm việc vì họ đã được toà xử trắng án.
– Tăng lương 15% vì giá sinh hoạt đắt đỏ.
Ngoài các khẩu hiệu kinh tế nói trên, những người bãi công còn đòi được tự do tổ chức nghiệp đoàn.
Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của công nhân Ba Son, địch đối phó bằng cách đưa lính và công nhân các hãng, xưởng khác đến làm. Đảng bộ thành phố đã huy động công nhân và lao động các nơi hưởng ứng và ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son.
Cuộc bãi công kéo dài 35 ngày, cuối cùng chủ phải nhượng bộ giải quyết:
– Để 26 người thợ làm ở bộ phận nồi xúpde vào làm lại.
– Những người học việc 1 năm được khám bệnh một lần, ốm đau được nghỉ dưỡng bệnh cho đến khi khỏi bệnh thì trở lại làm việc.
– Làm việc ban ngày được thêm 0,25đ; làm việc ban đêm từ 11 giờ tới sáng được 0,5đ…. ngoài ra, chủ xưởng đồng ý cho tổ chức Hội ái hữu ở trong xưởng do đồng chí Tống Văn Hên làm Hội trưởng.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1954), sơ thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, t. 1.
NGÀY 1-5
Cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ở Sài Gòn
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, tối 1-5-1937, tại Rạp hát Thành Xương (Sài Gòn), hơn 3.000 người gồm các tầng lớp nhân dân lao động đến họp mít tinh.
Những người dự mít tinh đã nhất trí thông qua bản kiến nghị đòi: Chính phủ ban hành luật tự do nghiệp đoàn cho lao động Đông Dương; Ban Thanh tra lao động phải can thiệp ngay vào vụ đình công ở Xưởng Ba Son hiện đã kéo dài 25 ngày; Chính phủ phải ân xá tù chính trị và thả hết những người bị bắt vì lý do tham gia lễ kỷ niệm 1-5 từ trước đến nay.
Cũng trong ngày 1-5, hưởng ứng cuộc mít tinh của hơn 3.000 người ở Rạp hát Thành Xương, kiến nghị đòi thi hành luật lao động, ân xá chính trị phạm và ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Ba Son, nhiều anh chị em công nhân Hãng Asiatích (Asiatique) Sài Gòn và toàn thể công nhân Hãng FACI đã nghỉ việc.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1954), sơ thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, t. 1.
NGÀY 5-5
Xuất bản cuốn Tờrôtxky và phản cách mạng của Thanh Hương (Hà Huy Tập)
Cuốn Tờrôtxky và phản cách mạng của tác giả Thanh Hương được Trung ương Đảng xuất bản vào ngày 5-5-1937, cuốn sách gồm bốn phần lớn: Phần 1 nói về Lênin và Tờrốtxky; phần 2 về Đệ tam và Đệ tứ quốc tế; phần 3 về cách mạng và phản cách mạng và phần 4 nói về chủ nghĩa Tờrốtxky ở Đông Dương.
Trong phần 1, cuốn sách giới thiệu cuộc đấu tranh của Lênin chống những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác (cách mạng thường trực những chủ trương sai lầm đàn áp nông dân, nhảy vượt thời kỳ lịch sử, thủ tiêu Công hội,… ) và những hoạt động khiêu khích phá hoại (gây bè phái trong Đảng Bônsơvích Nga, phản đối Hiệp ước Brétlitốp, phản đối chính sách tân kinh tế… ) của Tờrốtxky ở Liên Xô.
Trong phần 2, cuốn sách nêu rõ lực lượng hùng mạnh của Đệ tam quốc tế; thế lực mỏng manh, bè phái của Đệ tứ quốc tế; sự đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc và hành động khiêu khích phá hoại của Đệ tứ quốc tế biểu hiện trên những vấn đề chính trị và thời sự quốc tế; Hítle lên cầm quyền ở Đức; Liên Xô gia nhập Hội Quốc liên; sách lược lập Mặt trận Thống nhất kháng Nhật ở Trung Quốc; Mặt trận Nhân dân Tây Ban Nha, Mặt trận Nhân dân Pháp,…
Trong phần 3, bằng những dẫn chứng lịch sử cụ thể, cuốn sách nêu rõ những hành động phản cách mạng, phá hoại của Tờrốtkít đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Chúng đã ngăn trở việc xây dựng kinh tế và hợp tác hoá nông nghiệp. Chúng thành lập các nhóm phản động, tổ chức các vụ ám sát cá nhân, các vụ phá hoại kinh tế và quốc phòng …
Phần cuối cuốn sách nói về những chủ trương chính trị sai lầm và những hành động khiêu khích, phá hoại của Tờrốtkít ở Đông Dương. Cũng cùng một luận điệu như Đệ tứ quốc tế ở các nước, Tờrốtkít ở Đông Dương, tiêu biểu là Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, luôn đả kích Đệ tam quốc tế và các Đảng Cộng sản, nói xấu Liên Xô…; đòi giải tán Mặt trận Nhân dân Pháp và Mặt trận Nhân dân Tây Ban Nha, phản đối Mặt trận Dân tộc thống nhất kháng Nhật ở Trung Quốc… Chúng đưa ra những luận điệu “tả” như chủ trương thành lập Mặt trận vô sản; vô sản chỉ lo quyền lợi cho vô sản,.. . để phá hoại phong trào Đông Dương Đại hội và chia rẽ Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương do Đảng lãnh đạo.
Phần kết luận, cuốn sách nêu rõ: chủ nghĩa Tờrốtxky không phải là một xu hướng chính trị trong giai cấp vô sản mà chỉ là một chi nhánh của chủ nghĩa phát xít.
Cuốn sách ra đời giữa lúc các phần tử Tờrốtkít ở Đông Dương đang đẩy mạnh những hoạt động chia rẽ, phá hoại phong trào cách mạng, đã góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh vạch trần bộ mặt phản cách mạng của chúng.
– Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện lịch sử Đảng (1920-1945), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, t. 1, tr. 410- 412.
NGÀY 24-5
Bãi thị của chị em buôn bán nhỏ tại Hà Nội
Cùng với cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, những người buôn bán nhỏ cũng vùng dậy đấu tranh đòi quyền lợi.
Chiều ngày 24-5-1937, toàn thể chị em buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân bãi thị đưa yêu sách cho tên đốc lý Hà Nội. Bản yêu sách với những nội dung đòi giảm thuế chợ 50%, những ngày nghỉ không được thu tiền vé chợ, cấm phạt vạ, được bán rong một số hàng bán ế ở chợ, cho hai người có thể ngồi chung một quầy hàng, miễn vé cho một số người đã đóng thuế môn bài khi đi mua hàng ở các tỉnh khác về…
Sáng ngày 25-5, chị em vẫn tiếp tục bãi thị. Cuộc đấu tranh được chị em ở các chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Cửa Nam bãi thị hưởng ứng.
Viên đốc lý Hà Nội không chịu giải quyết các yêu sách nói trên, dán yết thị để cảnh cáo chị em.
Vì vậy, ngày 26-5, hơn 300 chị em biểu tình đến trước toà đốc lý. Đốc lý Viêcgitti (Virgitti) bắt giam 5 đại biểu của chị em và 2 nhà báo đi theo là đồng chí Khuất Duy Tiến và Trần Đình Từ. Chị em kiên quyết phản đối, buộc hắn phải thả những người bị bắt.
Cuộc bãi thị của chị em buôn bán nhỏ tuy nổ ra với quy mô không lớn, nhưng đã góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước, thúc đẩy các tầng lớp khác vùng dậy đấu tranh.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004.
NGÀY 15-6
Báo Sông Hương (tục bản) ra số đầu
Thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng với các đồng chí Hải Triều, Tôn Quang Phiệt thương lượng với Phan Khôi mua lại bản quyền tờ báo Sông Hương.
Tờ Sông Hương (tục bản) do đồng chí Phan Đăng Lưu phụ trách, Nguyễn Cửu Thạnh quản lý, ra số đầu tiên vào ngày 15-6-1937. Nội dung các bài xã luận của tờ báo sôi nổi cổ động cho cuộc tuyển cử sắp đến, kêu gọi quần chúng hãy giác ngộ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình bằng việc bỏ phiếu cho những người xứng đáng thay mặt cho dân chúng, đó là những người thật lòng vì dân, vì nước, nhân phẩm sạch sẽ thanh cao…. và hết sức đánh đổ xảo trá, phỉnh phờ, hạng dua nịnh, hạng buôn dân, bán nước”.
Báo ra tới số 7 thì nhận được thông tư của Khâm sứ Trung Kỳ cấm Sông Hương (tục bản) bàn luận về các vấn đề chính trị – có liên quan tới bản xứ và địa phương. Mặc dù bị ngăn cản nhưng những số phát hành tiếp theo cho tới số cuối cùng số 14 ngày 14-10-1937, các bài xã luận với nội dung phong phú vẫn tuyên truyền cho đường lối, quan điểm của Đảng về “văn học và chủ nghĩa duy vật”, “bộ mặt thật của bọn Tờrốtkít”, “kêu gọi quần chúng nhân dân chống nguy cơ phát xít”.
Ngày 11-10-1937, Toàn quyền Bơrêviê ký lệnh thu hồi giấy phép, cấm Sông Hương (tục bản) hoạt động. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng báo Sông Hương (tục bản) đã làm tròn nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tuyên truyền vận động, giác ngộ quần chúng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của đường lối mặt trận do Đảng lãnh đạo, đưa những ứng cử viên tiến bộ do Mặt trận Dân chủ giới thiệu vào Viện Dân biểu Trung Kỳ khoá III.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên – Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên – Huế (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.I.
THÁNG 6
Thành lập Ban Tỉnh uỷ Thái Bình
Giữa năm 1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định Thái Bình phải thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh vào một đầu mối. Ở trong tỉnh, cơ sở cách mạng ngày càng phát triển, phong trào của quần chúng ngày càng lên cao, nên việc thống nhất lãnh đạo trên phạm vi toàn tỉnh là sự đòi hỏi khách quan của tình hình.
Khoảng tháng 6-1937, cuộc họp liên tịch gồm ba nhóm lãnh đạo ở ba vùng đã khai mạc tại làng Vũ Lăng (Kiến Xương), các đại biểu tập trung nghiên cứu những chủ trương mới nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Xứ uỷ, thống nhất nhận định tình hình trong nước và trong tỉnh; nhất trí cao mọi quan điểm, trong đó có vấn đề thống nhất lãnh đạo về một mối. Hội nghị bầu Ban Tỉnh uỷ thống nhất gồm đồng chí Nguyễn Văn Vực, Trần Đức Thịnh, Ngô Duy Phớn, Lương Phôi, Trần Cung, Phạm Quang Thẩm, Nguyễn Mạnh Hồng; đồng chí Nguyễn Văn Vực làm Bí thư. Đến năm 1938, Ban Tỉnh uỷ bổ sung đồng chí Chu Thiện và Giáo Nùng.
Hội nghị bàn về công tác xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng, công tác tuyên truyền, chính sách mặt trận, việc lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Hội nghị quyết định xuất bản tờ báo Tiến lên do đồng chí Bí thư trực tiếp phụ trách.
Sau khi được thành lập, Ban Tỉnh uỷ Thái Bình phân công các đồng chí uỷ viên toả về các huyện hoạt động, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thái Bình: Lịch sử Đảng bộ Thái Bình (1927-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
THÁNG 6
Thành lập Tỉnh uỷ Quảng Trị
Để thống nhất sự lãnh đạo, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển ngày càng cao, từ ngày 28 đến ngày 30-6-1937, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị được triệu tập tại Choi Pheo – làng Phú Long do đồng chí Lê Duẩn chủ trì.
Phân tích tình hình phong trào cách mạng Quảng Trị, Hội nghị khẳng định cuộc vận động cách mạng của nhân dân Quảng Trị trong thời gian từ cuối năm 1936 đến tháng 6-1937 là một sự tập dượt phong trào quần chúng xuống đường đấu tranh từ thấp đến cao, từ kinh tế đến chính trị, từ không hợp pháp đến hợp pháp, từ nông thôn đến thành thị, dưới nhiều hình thức phong phú.
Qua cuộc vận động ấy, cơ sở Đảng được khôi phục ở nhiều nơi, các tổ chức quần chúng được phát triển, ảnh hưởng của Đảng thêm sâu rộng, trình độ giác ngộ của quần chúng được nâng cao.
Chỉ rõ yêu cầu, nhiệm vụ sắp tới, Hội nghị chú trọng trước hết đến các nhiệm vụ củng cố, phát triển Đảng, tổ chức của Đảng theo lối bí mật, bất hợp pháp. Hội nghị quyết định thành lập một số huyện uỷ, xây dựng các chi bộ Đảng ở các làng.
Hội nghị chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các tổ chức quần chúng theo các hình thức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Đảng phải lãnh đạo các tổ chức quần chúng tham gia đấu tranh, hướng vào các mục tiêu hàng ngày như đòi hoãn, giảm thuế, đòi các quyền tự do dân chủ hương thôn. Hội nghị đại biểu Đảng bộ xuất bản tờ báo Tranh đấu, mỗi tháng ra hai kỳ, làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh.
Cuối cùng Hội nghị bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm bảy uỷ viên: Hoàng Thị Ái, Hoàng Hữu Chấp, Hồ Xuân Lưu, Trần Mạnh Quỳ, Nguyễn Mực, Nguyễn Vức, Dương Đậu. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp dược cử làm Bí thư Tỉnh uỷ. Khi đồng chí Hoàng Hữu Chấp bị bắt (9-1937), thì đồng chí Trần Mạnh Quỳ đã được thay.
Sau khi thành lập, các uỷ viên trong Đảng bộ tỉnh phân công nhau về các Phủ uỷ, Huyện uỷ làm nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng.
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. I.
TỪ NGÀY 3-7 ĐẾN NGÀY 12-8
Cuộc bãi công lớn của công nhân đường sắt
Năm 1936, một số tù chính trị được trả tự do về hoạt động ở Vinh. Đồng chí Hà Huy Giáp, bị tù ở Côn Đảo, được trả về Nam Bộ, nhưng sau đó lại bị thực dân trục xuất về Vinh. Tháng 6-1937, tại Vinh, đồng chí liên lạc với một số công nhân Nhà máy Trường Thi, lựa chọn những anh em tiên tiến và tích cực, lập nên “nhóm chỉ đạo bí mật” ở nhà máy và giao cho đồng chí Trần Danh Tuyên (lúc ấy tên là Nguyễn Văn Luận – làm công nhân kỹ thuật) phụ trách.
Sau khi được thành lập, “Nhóm chỉ đạo bí mật” đã liên lạc với các tổ chức công nhân Nhà máy xe lửa Tháp Chàm (Nam Trung Bộ) và Dĩ An (gần Sài Gòn – Chợ Lớn) để chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh chung đòi tăng lương của công nhân tuyến đường sắt từ Đà Nẵng đến Sài Gòn.
Tháng 6-1937, trên cơ sở của “Nhóm chỉ đạo bí mật”, đồng chí Hà Huy Giáp thành lập Chi bộ Đảng Nhà máy4, do đồng chí Trần Danh Tuyên làm Bí thư.
Ngày 3-7-1937, nhóm bí mật vận động toàn thể công nhân tuyến đường sắt từ Nhà máy Trường Thi tắt máy ngừng làm việc 45 phút và cử đại biểu đưa yêu sách đòi tăng lương 30%, cải thiện điều kiện sinh hoạt và làm việc, cho công nhân tự do tổ chức nghiệp đoàn, không được đuổi thợ tham gia bãi công.
Ban Giám đốc Nhà máy Trường Thi không chịu giải quyết yêu sách của công nhân. Chính quyền thực dân bắt bốn đại biểu của công nhân, bắt giam đồng chí Hà Huy Giáp. Ngay sau đó, toàn thể công nhân nhà máy biểu tình đến toà Công sứ Pháp, đòi thả những người bị bắt. Bọn chúng không những không nhượng bộ mà còn lệnh đóng cửa nhà máy 15 ngày để đối phó với công nhân. Chi bộ Nhà máy quyết định tổng đình công.
Đến ngày 6-7, công nhân tuyên bố bãi công toàn thể. Ban lãnh đạo bãi công đánh điện đi khắp các sở ngành đường sắt toàn quốc, yêu cầu phối hợp đấu tranh. Ngày 12-7, công nhân đường sắt ở Đà Nẵng, Nha Trang, Tháp Chàm, Dĩ An, Sài Gòn… nhất loạt bãi công hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân Trường Thi.
Thực hiện nghị quyết của Ban chuyên môn Tỉnh uỷ Nghệ An, các Huyện uỷ thành lập Ban vận động, vận động các xã cạnh Trường Thi, các Hội ái hữu và tương tế ở Hà Tĩnh, công nhân Nhà máy sợi Nam Định… mít tinh, rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, cổ động quần chúng quyên góp gạo, tiền ủng hộ công nhân Trường Thi. Sau 15 ngày, bọn thống trị phải thả đồng chí Hà Huy Giáp và bốn đại biểu của công nhân nhà máy. Thừa thắng, công nhân đưa thêm yêu sách không được sa thải những người tham gia bãi công. Lúc đó, Đinh Văn Di gặp đồng chí Hà Huy Giáp nói: cuộc bãi công đã kẻo dài nhưng chưa giành được thắng lợi, đảng bộ phải quyết định rải truyền đơn cảnh cáo, đe doạ bọn thống trị nếu không giải quyết yêu sách của công nhân thì sẽ nổ ra những cuộc đấu tranh đẫm máu như hồi 1930-1931. Nhưng đồng chí Hà Huy Giáp không tán thành và khuyên Đinh Văn Di nên lãnh đạo quần chúng đấu tranh dưới hình thức công khai hợp pháp theo đúng chủ trương chung của Đảng trong thời kỳ này. Sau đó, ngày 1-8, bọn phá hoại vẫn rải truyền đơn kích động quần chúng và hăm doạ bọn thống trị. Vì thế các đồng chí Hà Huy Giáp, Trần Danh Tuyên và các đại biểu của công nhân lại bị bắt lần nữa.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, công nhân Nhà máy Trường Thi vẫn tiếp tục bãi công. Công nhân đường sắt ở Đà Nẵng, Nha Trang, Tháp Chàm, Dĩ An, Sài Gòn… cũng vẫn tiếp tục bãi công, làm cho tuyến đường sắt Nam Đông Dương bị tê liệt. Bị động, bọn thống trị thực dân phải dùng công nhân người Pháp lái tàu đẩy toa, móc toa, bẻ ghi; huy động cảnh sát đến bến đập than, bốc dỡ; nhưng chúng không phá được cuộc bãi công. Số chuyến xe lửa bị giảm, hàng hoá ứ đọng tại các ga, thực phẩm bị ôi thối, nhiều xí nghiệp phải ngừng sản xuất.
Dù vậy, bọn thống trị thực dân vẫn ra tay đàn áp bắt tiếp những cán bộ chỉ đạo đấu tranh cùng với hàng trăm công nhân trên tuyến đường sắt từ Trường Thi đến Sài Gòn.
Ngày 6-8, công nhân tuyến đường sắt miền Nam Đông Dương kết thúc bãi công sau 26 ngày đấu tranh; ngày 12-8-1937, công nhân Trường Thi cũng ngừng bãi công sau 39 ngày.
Mặc dù một số cán bộ và công nhân bị bắt, nhưng cuộc bãi công của công nhân đường sắt đã có tác dụng cổ vũ lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam và Đông Dương trong thời kỳ vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ Nghệ An (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. I.
– Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những sự kiện lịch sử của Đảng bộ Nghệ Tĩnh, Nxb. Nghệ Tĩnh, 1981.
NGÀY 12-8
Nông dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ
Được tin Thống sứ Bắc Kỳ Saten (Chatel), trong chuyến đi kinh lý Phú Thọ, Vĩnh Yên, ghé vào huyện lỵ Vĩnh Tường, tổ chức Đảng Vĩnh Tường huy động nhân dân biểu tình, gặp Saten đưa yêu sách đòi tự do, dân chủ.
Sáng ngày 12-8, đoàn biểu tình trên 300 người tiến về huyện lỵ, mang theo khẩu hiệu “Tự do, cơm áo, hoà bình”, “Tự do nghiệp đoàn”...Trước tình hình đó, bọn thống trị địa phương cho lính ra cản đường, bắt đoàn biểu tình phải giải tán nhưng đoàn người vẫn tiến vào huyện đường.
Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, Thống sứ Saten buộc phải tiếp đại biểu của đoàn biểu tình, nhận hai bản nguyện vọng một của tù chính trị và một của dân cày và hứa sẽ xem xét giải quyết như:
Nguyện vọng của chính trị phạm:
– Bãi bỏ quản thúc, tự do đi lại.
– Cơm ăn, việc làm đầy đủ cho các chính trị phạm, giúp đỡ gia đình những người tù thiệt mạng trong lao.
– Toàn xá tù chính trị.
Nguyện vọng của dân cày:
– Mở rộng hợp tác xã làm ruộng cho dân nghèo có cơm ăn, việc làm.
– Phải bỏ việc lấy phu canh, nếu bắt phu canh phải cho lương ăn.
– Phổ thông đầu phiếu.
– Ban bố nghiệp đoàn, v.v..
Cuộc đấu tranh của nông dân Vĩnh Tường có tác dụng cổ vũ nông dân các huyện trong tỉnh đấu tranh đòi tự do, dân chủ.
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (1930-2005), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
NGÀY 15-8
Thông cáo của Xứ uỷ Nam Kỳ
Ngày 15-8, Ban lãnh đạo Đảng bộ Nam Kỳ ra thông cáo gửi các cấp bộ Đảng Nam Kỳ về những nhiệm vụ cấp thiết.
– Giáo dục cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ trong cấp uỷ Đảng các cấp về đường lối cách mạng của Đảng trong giai đoạn hiện tại.
– Đồng chí Bí thư và tiểu ban tuyên truyền các cấp có trách nhiệm nắm vững và tăng cường giáo dục cán bộ đảng viên cấp mình về sách lược mới của Đảng trong tình hình hiện tại, để đảng viên nắm vững và thi hành.
– Mỗi đảng viên có trách nhiệm hiểu rõ nhiệm vụ của mình và thi hành các nghị quyết của Đảng trong thời hạn đã định.
– Giáo dục các đảng viên dự bị, các quần chúng cảm tình Đảng và hội viên các tổ chức quần chúng về đường lối chính sách của Đảng, nâng cao sự giác ngộ và thúc đẩy họ hăng hái đấu tranh.
– Vận dụng những hình thức tổ chức mới của Đảng tuỳ theo hoàn cảnh, tâm lý và trình độ của quần chúng công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên và các giai cấp khác trong xã hội để tổ chức những Hội tương trợ, Hội ái hữu, Hội phụ nữ… tranh thủ quảng đại quần chúng.
– Tiếp tục kết nạp đảng viên, tăng cường thành phần phụ nữ trong các cơ quan lãnh đạo.
– Tổ chức các Liên hiệp Công hội tỉnh, tiến lên thành lập Tổng Công hội Nam Kỳ. Công việc này phải hoàn tất trong thời hạn một tháng.
– Tổ chức Hội Giải phóng phụ nữ ở Nam Kỳ và Thanh niên Phản đế Nam Kỳ.
– Ở Sài Gòn – Chợ Lớn, xây dựng chi bộ Đảng trong các xí nghiệp và biến các xí nghiệp thành “pháo đài” của Đảng.
– Kêu gọi công nhân lao động đấu tranh, đòi tăng tiền công, giảm giờ làm, áp dụng luật công nhân, thúc đẩy nông dân đòi xoá bỏ thuế thuốc lá, thuế thân…
– Các tổ chức miền và các Liên Tỉnh uỷ phải mở rộng ảnh hưởng và hoạt động của mình sang các địa phương lân cận.
– Các tỉnh miền Đông như Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, nơi tập trung nhiều công nhân đồn điền cao su, Đảng phải cử cán bộ thâm nhập, xây dựng cơ sở Đảng và phát động phong trào trong công nhân đồn điền.
Đồng thời, Thông cáo chỉ rõ: các đảng viên phải nâng cao tinh thần tự phê bình. Nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi đảng viên, nhất là các đồng chí uỷ viên các cấp uỷ Đảng là phải tuân thủ kỷ luật, quán triệt đường lối, nghị quyết của Đảng.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 248-252.
TỪ NGÀY 25-8 ĐẾN NGÀY 4-9
Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Từ ngày 25-8 đến ngày 4-9-1937, tại xã Tân Thời Nhứt – Bà Điểm – Hóc Môn – Gia Định, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng. Tham dự Hội nghị gồm có các đồng chí: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hạ Bá Cang, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Thị Minh Khai... do Hà Huy Tập chủ trì.
Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị nêu lên những thành tích trong công tác Đảng. Trong thời gian từ năm 1935 đến tháng 8-1937, Đảng đã khôi phục hệ thống tổ chức ở Trung, Nam, Bắc; Đảng đã trở nên một đoàn thể thống nhất về tổ chức và về phương diện chính trị. Tuy ở một vài nơi cơ sở Đảng chưa khôi phục xong, nhưng thế lực của Đảng đã ảnh hưởng rất lớn. Nhiều tỉnh, Đảng đã lập được nhiều Đảng bộ mới. Con đường chính trị của Đảng là đúng, chính sách lập Mặt trận Thống nhất nhân dân Đông Dương ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp lan rộng trong quần chúng; ảnh hưởng của Đảng phát triển nhanh chóng. Đồng thời, Đảng cũng mắc phải một số khuyết điểm: “tả khuynh”, cô độc, hẹp hòi và hữu khuynh, thoả hiệp với các phần tử Tờrốtkít.
Hội nghị đề ra các nhiệm vụ cần kíp của Đảng:
Về nội bộ, phải mở rộng và củng cố các đảng bộ đã có, khôi phục cơ sở cũ của Đảng ở Lào, Cao Miên, thống nhất các Đảng bộ ở Trung Kỳ, cần mật thiết chỉ đạo các Đảng bộ người Trung Quốc, tập trung lực lượng của Đảng ở thành thị, các trung tâm công nghiệp và các vùng kinh tế chính trị quan trọng.
Về đào tạo cán bộ, xét thấy vấn đề cán bộ có tầm quan trọng quyết định trong việc thi hành các chính sách mới của Đản.g Hội nghị quyết định Trung ương và các xứ phải nhanh chóng mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, giúp họ hiểu đường lối chính trị và tổ chức mới của Đảng.
Về tổ chức quần chúng, Hội nghị quyết định thủ tiêu lối hoạt động bí mật của các tổ chức quần chúng, tổ chức các hình thức quần chúng hoàn toàn công khai và bán công khai, tuỳ theo hoàn cảnh và trình độ của quần chúng mà tổ chức các Hội ái hữu, tương tế, hợp tác xã, dân chủ, văn hoá, thể thao, âm nhạc.
Hội nghị còn đề ra những hình thức vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ và cứu tế bình dân.
Về tranh đấu chống các xu hướng sai lầm, Hội nghị nêu rõ: Đảng phải luôn luôn đi đúng chủ nghĩa Mác- Lênin, theo đúng nguyên tắc của Quốc tế Cộng sản và phải Bônsơvích hoá; chống “tả khuynh” cô độc và chống hữu khuynh thoả hiệp. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong cuộc vận động dân chúng, chủ nghĩa Tờrốtxky là nguy hiểm nhất”, không triệt để chống chủ nghĩa Tờrốtxky sẽ khó xây dựng được Mặt trận Nhân dân thống nhất Đông Dương và ủng hộ Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít và đế quốc chiến tranh.
Về Mặt trận Nhân dân thống nhất Đông Dương, Đảng chủ trương, một mặt ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, mặt khác, đấu tranh để thực hiện Mặt trận Nhân dân thống nhất Đông Dương.
Các Đảng bộ phải bắt đầu thực hiện các hình thức liên hiệp hành động ở từng ngành, từng địa phương cho đến toàn Đông Dương, theo một bản chương trình hành động tối thiểu chung.
Về chống phát xít và chống đế quốc chiến tranh: Hội nghị nhận định rằng cuộc vận động đòi các quyền lợi trước mắt của nhân dân Đông Dương phải liên hệ chặt chẽ với phong trào chống phát xít và chống đế quốc chiến tranh trên thế giới. Phải cùng những người Pháp cấp tiến tổ chức ra những hội chống phát xít, chống chiến tranh, ủng hộ hoà bình. Hội nghị uỷ quyền cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng xuất bản một cuốn sách để giải thích cho nhân dân và binh lính hiểu nạn phát xít, chiến tranh và bày tỏ thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với các thứ chiến tranh, nhất là đối với cuộc chiến tranh do đế quốc phát xít gây ra.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 263-298.
THÁNG 8
Bức thư công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho mặt trận Nhân dân Pháp, cho Chính phủ Sôtăng Bơlum, cho Mutê –Thượng thư thuộc địa và cho Bơrêviê – Toàn quyền Đông Dương
Đầu năm 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp được thành lập gồm Đảng Cộng sản, Đảng Cấp tiến và giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, Chính phủ Lêông Bơlum lên nắm quyền, Đảng Cộng sản Đông Dương đã gửi thư cho Mặt trận Nhân dân Pháp, ủng hộ những cải cách tiến bộ của Chính phủ và xin thực hành các quyền tự do dân chủ cho toàn xứ Đông Dương. Tháng 8-1937, Đảng Cộng sản Đông Dương một lần nữa lại gửi thư công khai cho Mặt trận Nhân dân Pháp, cho Chính phủ Sôtăng Bơlum (Chautemps Blum), cho Mutê (Moutet)- Thượng thư thuộc địa và Bơrêviê (Brévié) – Toàn quyền Đông Dương biểu thị thái độ của mình trước sau vẫn ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, ủng hộ những cải cách tiến bộ của Chính phủ Pháp đồng thời nêu lên một số yêu cầu cải cách cho nhân dân Đông Dương.
Những quyền tự do dân chủ mà Đảng Cộng sản Đông Dương yêu cầu là:
1. Tự do ngôn luận, xuất bản, tư tưởng;
2. Tự do tổ chức, hội họp, bãi công, thị uy, biểu tình;
3. Tự do đi lại trong xứ và ngoài xứ;
4. Tổng ân xá chính trị phạm từ trước tới nay.
5. Thải hồi những phần tử quan liêu phản động ra khỏi bộ máy cai trị của chính quyền thực dân – phong kiến ở Đông Dương.
6. Lập Mặt trận Dân chủ ở Đông Dương .
Đảng Cộng sản Đông Dương cho rằng điều kiện cần thiết để bảo đảm thi hành các quyền tự do dân chủ là Đảng Cộng sản Đông Dương và chính đảng khác có xu hướng dân chủ phải được công khai tồn tại để bênh vực quyền lợi cho nhân dân.
Phần cuối bức thư nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Đông Dương là người trung thành với khoa học chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi không những muốn liên hiệp với nhân dân tiên tiến ở Pháp mà còn muốn liên hiệp với hết thảy các dân tộc trên thế giới chân thật lấy bình đẳng đối đãi với nhân dân Đông Dương”.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t. 6, tr. 253-262.
TỪ THÁNG 8 ĐẾN THÁNG 10
Cuộc vận động đưa yêu sách lên Viện Dân biểu Trung Kỳ
Năm 1937, tại Quảng Trị diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Viện Dân biểu Trung Kỳ. Chính quyền thống trị địa phương âm mưu đưa tay sai của chúng vào, nên Tỉnh uỷ Quảng Trị chủ trương hướng dẫn quần chúng bầu những người tiến bộ.
Phan Triệu Khanh và Trần Đăng Hiến – hai ứng cử viên được quần chúng tập trung phiếu bầu đã đắc cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ khoá III, tháng 8-1937.
Sau cuộc bầu cử, ngày 8-8-1937, Tỉnh uỷ Quảng Trị chỉ thị cho các đảng bộ vận động quần chúng thảo bản nguyện vọng, sau đó tổ chức biểu tình đưa yêu sách đến các dân biểu Phan Triệu Khanh, Trần Đăng Hiến, chào mừng hai ông đắc cử đồng thời đề nghị hai ông chuyển yêu sách lên Viện Dân biểu.
Ngày 28-9-1937, 2000 quần chúng Vĩnh Linh biểu tình kéo đến nhà Trần Đăng Hiến tại chợ Cầu (Gio Linh), yêu cầu ông chuyển bản nguyện vọng lên Viện Dân biểu Trung Kỳ và Chính phủ.
Ngày 2-10-1937, hơn 3.000 quần chúng Cam Lộ và Gio Linh kéo đến nhà Trần Đăng Hiến với yêu sách như trên. Đảng bộ còn cho đăng báoSông Hương bức thư công khai, gửi cho dân biểu Phan Triệu Khanh, tỏ rõ lập trường và ý nguyện của quần chúng nông dân trong tỉnh.
Ngày 6-10, Phủ uỷ Triệu Phong huy động khoảng 5.000 người chia làm bốn cánh kéo đến làng Giáo Liêm đưa yêu sách cho dân biểu Khanh. Được tin này Tri phủ Triệu Phong báo cho Công sứ, tuần phủ biết. Chúng điều phó sứ và lãnh binh đưa lính về đàn áp. Kết quả ba trong bốn cánh bị chúng chặn lại, chỉ có cánh Ngô Xá, Linh Yên, chợ Cạn, tập trung khoảng 600 người gặp được dân biểu Khanh và ông này buộc phải nhận yêu sách và gặp ông Hồ Thâm đại biểu quần chúng để làm việc.
Sau cuộc đấu tranh nhà cầm quyền địa phương rất hoảng sợ, chúng ra tay bắt bớ hăm doạ những người biểu tình, chúng bắt và kết án 8 người trong đó có đồng chí Hồ Thâm và đồng chí Nguyễn Quang Duân.
Song, do áp lực của quần chúng và báo chí, dân biểu Phan Triệu Khanh phải lên tiếng trước Viện Dân biểu vào phiên họp tháng 11. Ông phản đối nhà cầm quyền kết án những cựu chính trị phạm: “Nếu Nhà nước không ân xá cho mấy người bị án thì tôi xin từ chức dân biểu để tạ cái lòng tín nhiệm của dân chúng đối với tôi, chứ không nỡ lòng nào ngồi yên để những người tín nhiệm mình vì mình mà phải chịu bị trừng phạt” .
– Quảng Trị – 60 năm những chặng đường, Sở Văn hoá thông tin Quảng Trị xuất bản, 1990, tr. 41.
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị: Lịch sử Đảng bộ Quảng trị (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, t. I.
NGÀY 10-9
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản
Sau khi họp Hội nghị toàn thể, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã gửi báo cáo cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản về các vấn đề Đảng, tổ chức quần chúng và các vấn đề khác.
Về tình hình Đảng, ngày 12-l0-1936, Ban Chấp hành Trung ương đã được tổ chức tại Nam Kỳ và cử thành viên trong Ban đi khôi phục liên lạc ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Cao Miên. Vào lúc tổ chức Ban Chấp hành Trung ương, Nam Kỳ có 120 đảng viên. Đến tháng 9-1937, số lượng đảng viên ở Nam Kỳ là 590, Trung Kỳ là 218, Bắc Kỳ là 117 (tổng số là 925 đảng viên), đó đều là những đảng viên bất hợp pháp. Về hệ thống tổ chức, Nam Kỳ có 20 tỉnh thì l5 tỉnh có tổ chức, Trung Kỳ có 15 tỉnh thì 8 tỉnh có tổ chức, Bắc Kỳ có 24 tỉnh thì đã có tổ chức ở 7 tỉnh.
Ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ có Xứ uỷ, Trung Kỳ chưa có điều kiện để tổ chức Xứ uỷ. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định đặt các tổ chức của Thanh, Nghệ, Tĩnh dưới sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và thành lập một Uỷ ban Liên tỉnh để lãnh đạo hoạt động của các tỉnh khác. Uỷ ban này đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương; Ban Chấp hành Trung ương lúc này gồm 11 uỷ viên trong đó có 9 đồng chí trong nước và hai đồng chí ở nước ngoài. Ban Thường vụ gồm 5 uỷ viên.
Về công tác tuyên truyền, có 16 tờ báo bất hợp pháp của Đảng và của các tổ chức quần chúng.
Về các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng của Đảng rất lớn, nhưng số người gia nhập các tổ chức của Đảng lại rất ít. Công đoàn, trong cả nước có 5070 đoàn viên; tổ chức nông dân có 9000 hội viên; phụ nữ ở Nam Kỳ có 945 hội viên, Nghệ An 75 hội viên, tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ có 250 đoàn viên, Nghệ An 25 đoàn viên.
Vấn đề tổ chức quần chúng, Ban Chấp hành Trung ương quyết định rằng ở đâu mà thiếu các điều kiện hợp pháp và bán hợp pháp, thì có thể tạm thời dùng các phương pháp bất hợp pháp.
Vấn đề thống nhất tác phong trào quần chúng, Ban Chấp hành Trung ương quyết định phải thống nhất các phong trào quần chúng. Việc giải thể Thanh niên Cộng sản Đoàn, giữa Ban Chỉ huy ở ngoài và Ban Chấp hành Trung ương chưa thống nhất ý kiến .
Đối với phong trào quần chúng, thái độ của Đảng rất rõ ràng, ngay sau khi Uỷ ban lâm thời của Đại hội Đông Dương được thành lập, Đảng đã đề ra một chương trình hành động tối thiểu và công bố một tuyên ngôn kêu gọi các nhóm và các đảng khác tham gia phong trào. Vì vậy, phong trào Đại hội chịu ảnh hưởng rất lớn của Đảng, 600 Uỷ ban hành động ở Nam Kỳ đều do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Nhưng, cuối cùng phong trào Đại hội đã thất bại vì bị đế quốc đàn áp, “tả khuynh” và không nhận được sự cổ vũ của Mặt trận Nhân dân Pháp.
Phần cuối báo cáo, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương yêu cầu Quốc tế Cộng sản giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương một số vấn đề:
1. Yêu cầu Quốc tế Cộng sản lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương chặt chẽ và trực tiếp hơn.
2. Yêu cầu Quốc tế Cộng sản cấp cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mỗi tháng 500 đô la Mỹ.
3. Yêu cầu Quốc tế Cộng sản cung cấp những thông tin về Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Trung Quốc.
4. Yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp gửi cho Đảng Cộng sản Đông Dương một số đồng chí để tổ chức Phân bộ của Đảng Cộng sản Pháp.
5. Yêu cầu Quốc tế Cộng sản gửi 5.000 đôla để xuất bản báo chí và sách hợp pháp.
6. Đảng Cộng sản Đông Dương đề nghị Quốc tế Cộng sản được tự lựa chọn sinh viên đi học tập ở nước ngoài.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 299-314.
NGÀY 15-10
Thông báo cửa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về việc sưu tập dân nguyện
Qua đường báo chí, Chính phủ Nam Kỳ đã yêu cầu dân chúng gửi những nguyện vọng và yêu cầu của mình đến Chính phủ trước ngày 15-11-1937 để chuyển cho Ban Điều tra.
Nhận định đây là một cơ hội đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Ban Chấp hành Trung ương quyết định các cấp bộ Đảng phải thi hành các chương trình sau:
1. Các Uỷ ban sưu tập dân nguyện phải tiếp tục hoạt động trở lại và phải thành lập các uỷ ban này (gồm đại biểu của mọi tầng lớp, mọi giai cấp) ở những nơi chưa có. Nhiệm vụ của các uỷ ban là sưu tập nguyện vọng của tất cả các tầng lớp nhân dân.
2. Một số thành viên phải được chỉ định để tổ chức những cuộc họp công khai hay bán công khai dưới 19 người để thảo luận các nguyện vọng, lựa chọn và thảo ra những nguyện vọng ấy.
3. Sắp xếp những nguyện vọng theo hình thức tập thể, giai cấp, tầng lớp, cá nhân.
4. Mỗi nguyện vọng phải có địa chỉ, chữ ký và sao thành nhiều bản gửi tới Chính phủ để chuyển cho Ban điều tra và công bố trên báo chí.
Trung ương cũng lưu ý, trong các cuộc sưu tập nguyện vọng, cần làm cho quần chúng hiểu rằng việc thực hiện những nguyện vọng này phụ thuộc vào sự kiên trì của họ trong việc giữ vững cuộc đấu tranh. Các đảng bộ phải căn cứ vào Thông báo này để nghiên cứu tình hình và đề ra những khẩu hiệu thích hợp và chuẩn bị cho quần chúng đấu tranh.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 315-316.
THÁNG 10
Báo cáo của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản về Mặt trận Nhân dân Phản đế và tình hình Đảng
Nhằm thông tin kịp thời cho Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương đã gửi báo cáo về tình hình phong trào Mặt trận Nhân dân Phản đế và thái độ của Đảng đối với phong trào đó.
Báo cáo chỉ rõ những thành tựu và sai lầm của Đảng Cộng sản Đông Dương về việc tổ chức Mặt trận Nhân dân Phản đế và nội bộ Đảng.
Từ khi có thành công của Mặt trận Nhân dân Pháp và Chính phủ Bơlum được tổ chức, ở Đông Dương, phong trào Đông Dương Đại hội đã ra đời để nêu lên một chương trình yêu sách cho tự do và giải phóng đất nước. Phong trào này được các tổ chức quần chúng, các đảng phái, các tầng lớp, các giai cấp ủng hộ, nhưng phong trào không thành công vì các nguyên nhân: chậm trễ trong việc đấu tranh chống Tờrốtkít; bị Tờrốtkít và bọn biệt phái lợi dụng; phong trào bị chia rẽ; các tổ chức quần chúng còn yếu...
Sau thất bại của phong trào Đại hội, giai cấp công nhân đấu tranh quyết liệt, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt, các quyền tự do cho người lao động. Các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và tiểu tư sản không có tính chất thuần tuý kinh tế, mà đã gắn đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, thời gian này ở Đông Dương có những điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Mặt trận Nhân dân đòi những quyền tự do, dân chủ sơ đẳng. Việc thực hiện một Mặt trận Nhân dân Phản đế rộng rãi nằm trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bè phái, trong vấn đề tổ chức quần chúng và trong thái độ đối với giai cấp tư sản dân tộc. Chủ nghĩa bè phái tả khuynh là nguy cơ lớn nhất đối với phong trào quần chúng.
Đường lối chính trị mới của Đảng dựa trên đường lối của Quốc tế Cộng sản. Đó là tập hợp tất cả các đảng phái, các giai cấp vào Mặt trận Nhân dân, đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ, chống bọn phản động thuộc địa, ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, ủng hộ những cải cách tiến bộ của Chính phủ Bơlum. Đồng thời vẫn giữ sự độc lập về tổ chức của Đảng và quyền tự do phê bình đối với các bạn đồng minh của mình và đối với Chính phủ của phái tả Pháp. Thay đổi phương pháp tổ chức quần chúng sang cách hợp pháp và bán hợp pháp. Chính sách này đã được các tổ chức của Đảng ủng hộ và áp dụng nhiệt tình. Còn tổ chức theo phương pháp mới thì không được áp dụng một cách đúng đắn. Những người biệt phái chủ trương đặt cho các tổ chức quần chúng những điều lệ và những tên gọi giống nhau, thay đổi Công hội đỏ bằng Công hội duy nhất, Nông hội đỏ bằng Nông hội duy nhất, Thanh niên Cộng sản Đoàn bằng Thanh niên Phản đế, Cứu tế đỏ thành Cứu tế nhân dân. Mặc dù đường lối chính trị là đúng, nhưng nếu phương pháp không đúng, thì công tác Đảng sẽ không tiến lên được và đường lối chính trị cũng bị tổn hại.
Vấn đế tổ chức Đại hội Đảng, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng nói rằng, triệu tập Đại hội là cần thiết, nhưng phải tổ chức khi: Đảng đã trải qua một thời gian đấu tranh và có kinh nghiệm; đã kiểm nghiệm đúng đắn tình hình tổ chức của Đảng; đã nhiều lần Đảng bị tổn thất vì các vụ bắt bớ do các cuộc hội nghị; phong trào quần chúng cần tiếp tục được thực hành nên không vội vàng họp Đại hội vì sẽ không đem lại kết quả gì và cũng do lúc này trong Ban Chấp hành Trung ương đang còn chủ nghĩa biệt phái.
Báo cáo nêu lên những kết quả công tác của Đảng từ một năm trở lại đây. Từ sau Hội nghị ngày 27-7-1936, Đảng bắt đầu chuyển hướng phát triển trong quần chúng. Trước hết, Đảng tích cực thực hành chính sách mới ở Nam Kỳ. Đến tháng 7-1937, Đảng đã thống nhất tất cả các tổ chức của mình ở trong nước. Công tác bất hợp pháp ở các vùng gắn bó với công tác hợp pháp. Đường lối mới của Đảng được áp dụng và Đảng tổ chức được nhiều phong trào lớn như: cuộc “đón tiếp” Gôđa và Bơrêviê, cuộc biểu tình 1-5 ở Sài Gòn,… Hiện thời, Đảng chuẩn bị tham gia các cuộc bầu cử ở Trung Kỳ, Đảng có những tờ báo hợp pháp: L Avant garde, Le Peuple bằng tiếng Pháp ở Sài Gòn và xuất bản hàng chục cuốn sách hợp pháp để tuyên truyền. Đảng đã lãnh đạo những cuộc đấu tranh lớn của công nhân, nông dân, học sinh đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt, đòi tự do dân chủ sơ đẳng, chống chủ nghĩa Tờrốtxky. Đảng củng cố và phát triển tổ chức của mình và lập lại các mối liên lạc trước đây bị gián đoạn. Ảnh hưởng của Đảng ngày càng phát triển trong quần chúng. Nhờ tinh thần tận tuỵ của các đảng viên trong công tác tổ chức, tuyên truyền, cổ động hợp pháp, Đảng đã thu được những kết quả chưa từng có ở Đông Dương.
Về mặt công tác tổ chức, chủ nghĩa biệt phái vẫn còn khá mạnh, cản trở không ít công tác của Đảng, tổ chức hợp pháp của quần chúng cũng như tổ chức bất hợp pháp của Đảng không theo kịp phong trào quần chúng. Vì vậy nhiệm vụ cấp bách của Đảng là đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa biệt phái tả khuynh, lãnh đạo đảng viên áp dụng đường lối mới của Đảng về phương diện sách lược cũng như về phương diện hình thức tổ chức để thực hiện Mặt trận Nhân dân chống bọn phản động thuộc địa, đòi tự do, dân chủ; sử dụng những hình thức hợp pháp và gắn các hình thức hợp pháp với các hình thức bất hợp pháp để tổ chức quần chúng, sử dụng lực lượng quần chúng đấu tranh cho sự hợp pháp của Đảng.
Đồng thời, củng cố và thống nhất các cơ quan lãnh đạo của Đảng theo đường lối Bônsơvích của Quốc tế Cộng sản, đào tạo cán bộ mới để thực thi nhiệm vụ mới, làm hết khả năng để phát triển hoạt động hợp pháp và để phát triển phong trào hợp pháp, củng cố tổ chức bất hợp pháp của Đảng.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 317-338.
CUỐI NĂM 1937
Ban Cán sự Liên tỉnh Trung Trung Bộ ra đời
Khoảng cuối năm 1937, tại bãi biển Quy Nhơn, Hội nghị đại biểu các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã họp do đồng chí Bùi San –thay mặt Xứ uỷ Trung Kỳ chủ trì nhằm thành lập Ban Cán sự liên tỉnh Trung Trung Bộ.
Về phương hướng công tác sắp tới của các Đảng bộ tỉnh, Hội nghị quyết định: đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển thực lực cách mạng nhất là các hội công khai, biến tướng... tập hợp thật rộng rãi các tầng lớp quần chúng; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động nửa hợp pháp, bất hợp pháp với các hoạt động công khai, hợp pháp; xúc tiến các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ.
Hội nghị quyết định thành lập Ban Cán sự liên tỉnh Trung Trung Bộ gồm năm đồng chí do đồng chí Nguyễn Trí làm Bí thư.
Cuối năm 1939, đồng chí Nguyễn Chánh thay đồng chí Nguyễn Trí làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn, Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Bình Định được giới thiệu tham gia Ban cán sự liên tỉnh. Ban Cán sự liên tỉnh đóng tại Hiệu may Tiến Hoá, đường Khải Định (nay là đường Lê Lợi). Đây vừa là cơ quan liên lạc, vừa là nơi cung cấp tài chính cho hoạt động của Ban Cán sự liên tỉnh.
Ban Cán sự liên tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào phong trào cách mạng của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
– Bản Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1929-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,2005.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1930-1945), Nxb. Tổng hợp Bình Định, 1990, t. 1.
– Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Yên: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên (1930-1945), Phú Yên, 1999.
CUỐI NĂM 1937
Thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Hà Tĩnh
Sau cuộc đón tiếp phái đoàn Mặt trận Nhân dân Pháp tại thành phố Vinh, đại biểu các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Khê, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã mở hội nghị cử ra Uỷ ban Hành động của Hà Tĩnh để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.
Đến cuối năm 1937, Ủy ban Hành động bắt được liên lạc với Đảng bộ Nghệ An và thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Hà Tĩnh. Để tuyên quyền chủ trương mới của Đảng, nâng cao giác ngộ cách mạng cho cán bộ đảng viên và làm nơi liên lạc cho Tỉnh bộ lâm thời, hiệu sách Liên thanh thư quán được lập ra tại thị xã Hà Tĩnh. Hiệu sách này hoạt động rất tích cực. Đây là nơi tiếp thu, phân phát sách báo tài liệu của Đảng. Các cuốn sách như Vấn đề dân cày, các báo Tin tức, Nhành lúa, Lao động, Dân chúng được phát hành rộng rãi. Mỗi ngày có hàng chục cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh đến Liên thành thư quán đọc sách, báo mở mang kiến thức, tiếp cận với thời cuộc. Liên thành thư quán là cơ quan công khai của Đảng bộ để liên lạc với Liên Tỉnh uỷ và các cấp bộ đảng ở địa phương.
Sau khi Tỉnh uỷ lâm thời được thành lập, Huyện uỷ lâm thời các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê được tổ chức, huyện Kỳ Anh xây dựng được Ban Cán sự Đảng, các chi bộ Đảng lần lượt xây dựng ở các địa phương trong tỉnh.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh: Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1.
CUỐI NĂM 1937- NĂM 1938
Thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Bình Định
Sự phát triển của phong trào toàn tỉnh, nhất là phong trào các huyện phía Nam đòi hỏi sự lãnh đạo thống nhất và kịp thời hơn nữa của Đảng bộ.
Đáp ứng tình hình đó, cuối năm 1937, đồng chí Nguyễn Trí, người phụ trách phong trào các tỉnh Trung Trung Bộ đã chọn một số cán bộ lãnh đạo của Đảng bộ Hồng Lĩnh đưa vào Ban Tỉnh uỷ lâm thời Bình Định gồm các đồng chí Nguyễn Văn, Huỳnh Đăng Chi, Nguyễn Thành Mẫn và chỉ định đồng chí Nguyễn Văn làm Bí thư. Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn được Đảng bộ Bình Định giới thiệu tham gia Ban Cán sự liên tỉnh Trung Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).
Cuối năm 1938, sau khi thành lập Chi bộ Quy Nhơn và phong trào toàn tỉnh có bước tiến bộ, Ban cán sự liên tỉnh chủ trương củng cố Ban Tỉnh uỷ lâm thời Bình Định. Tỉnh uỷ lâm thời Bình Định lúc này gồm các đồng chí: Trần Lung, Trần Tín và Nguyễn Văn, do đồng chí Trần Lung làm Bí thư. Tỉnh uỷ phân công đồng chí Nguyễn Minh Vỹ phụ trách công tác vận động công khai hợp pháp trong trí thức, viên chức, học sinh của thành phố Quê Nhơn.
Tỉnh uỷ lâm thời Bình Định thành lập, tuy hoạt động còn hạn chế trong khu vực phía Nam, nhưng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Mặt khác, nó đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng bộ và phong trào cách mạng của tỉnh Bình Định trong những năm 1937-1939.
– Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1930-1945), Nxb. Tổng hợp Bình Định, 1990, t. I.
CUỐI NĂM 1937
Đảng bộ Thanh Hoá được công nhận là một bộ phận chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương
Cuối năm 1937, Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh Hoá triệu tập Hội nghị mở rộng nhằm đánh giá tình hình hoạt động của Đảng bộ trong năm qua, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cụ thể trước mắt tiếp tục thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng lên bước cao hơn.
Hội nghị đề ra các nhiệm vụ quốc tế và trong nước. Đặc biệt về nhiệm vụ trong nước, Hội nghị chủ trương xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của Mặt trận Nhân dân thống nhất Đông Dương tại địa phương nhằm tập hợp rộng rãi mọi lực lượng dân chủ tiến bộ, chống kẻ thù trước mắt, đòi quyền tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình.
Cũng tại Hội nghị này Đảng bộ Thanh Hoá được đại diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng công nhận là một phân bộ chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Trung Kỳ. Mặc dù sự công nhận này là chậm, nhưng đó là sự cổ vũ lớn đối với Đảng bộ, chứng tỏ Đảng bộ Thanh Hoá đã trưởng thành về nhiều mặt.
Sau Hội nghị, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ rộng khắp trở thành một cao trào cách mạng thực sự, thu hút mọi giai cấp mọi tầng lớp tham gia dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động.
– Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (1930-1954), Thanh Hoá, 2000, t. I.
TRONG NĂM
Phong trào đấu tranh của nông dân
Cùng với các cuộc đấu tranh của công nhân, trong năm 1937, giai cấp nông dân đã vùng dậy đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau.
Theo thống kê bước đầu, năm 1937 có 250 cuộc đấu tranh của nông dân. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của nông dân lúc đó là các cuộc đấu tranh của 100 nông dân Long Hưng (13-4-1937); cuộc dđu tranh của 400 nông dân Tân Thới Thượng (24-4-1937); cuộc đấu tranh của 1000 nông dân Tam Hiệp, Chợ Dương (ngày 18-5-1937)…
Tiếp đó là cuộc đấu tranh của 300 nông dân Đại Mỗ, Tây Mỗ, Ỷ La, La Phù, La Khê (14-6-1937); cuộc đấu tranh của nông dân Yên Lãng, Đình Xuyên, Ứng Hoà thuộc Hà Đông (6~937); các cuộc đấu tranh của nông dân Lạc Thổ, Ngọc Nội, Lĩnh Mai (17-6-1937) thuộc Bắc Ninh.
Các cuộc đấu tranh của nông dân La Khê, Làng Cao, Nhân Lý thuộc Sơn Tây; cuộc đấu tranh của nông dân làng Bích Đại (Vĩnh Tường); cuộc đấu tranh của nông dân Giao Thuỷ (Nam Định); cuộc đấu tranh của 1000 nông dân Đức Hoà (Nam Bộ); cuộc đấu tranh của nông dân Bình Định, Cà Mau… đã gây được tiếng vang lớn.
Nhìn chung, nông dân đấu tranh dưới các hình thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu chống việc địa chủ cướp ruộng, đòi chia lại công điền, đòi giảm tô, khất thuế, giảm thuế thân, chống bọn hào lý tham nhũng. Ngoài những yêu sách về kinh tế, còn có những yêu sách về chính trị, như yêu cầu thả hết tù chính trị, ủng hộ các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Các cuộc đấu tranh, dù ít dù nhiều đã đạt được những kết quả nhất định, buộc địa chủ phải nhượng bộ nông dân một số yêu sách cụ thể.
Các cuộc đấu tranh của công nhân cũng như nông dân trong năm 1937 thể hiện truyền thống đấu tranh của nhân dân chống chế độ thực dân, phong kiến, góp phần tạo nên cao trào cách mạng dân chủ 1936-1939 sôi nổi mạnh mẽ.
– Hội Nông dân Việt Nam: Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.112-116.
– Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Bình Định, Cà Mau, Nam Định, Hà Tây, Vĩnh Phúc…
TRONG NĂM
Cuộc đấu tranh đòi lập Nghiệp đoàn Báo giới Bắc Kỳ
Trong năm 1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội chủ trương vận động lập Nghiệp đoàn Báo giới Bắc Kỳ. Để tiến tới việc lập nghiệp đoàn, chi bộ báo chí vận động tổ chức hai cuộc Hội nghị Báo giới.
Lần thứ nhất: 7 giờ 30 sáng ngày 24-4-1937, tại một nhà thờ họ ở phố Vải Thâm5, 200 người viết báo ở Hà Nôi đã họp. Hội nghị ra kiến nghị gửi tới Chính phủ Pháp đòi tự do báo chí đòi áp dụng Luật 1881 (luật làm báo ngày 29-7-1881 quy định người làm báo được hoạt động rộng rãi trong nghề nghiệp của mình).
Lần thứ hai: 8 giờ 30 tối ngày 9-6-1937, Hội nghị Báo giới được tổ chức tại gác hội quán thể dục (gần câu lạc bộ quốc tế hiện nay) gồm 137 người dự, trong đó có các đồng chí Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Khuất Duy Tiến… Hội nghị bàn việc thành lập Nghiệp đoàn Báo giới và bầu Ban trị sự.
Trong Hội nghị lần thứ hai, tiếng nói của nhóm đại biểu cộng sản đã có ảnh hưởng rất lớn, đại biểu của ta đưa ra đã trúng cử vào Ban trị sự, làm Chủ tịch Hội Báo giới Bắc Kỳ. Bọn nhà báo tay sai không trúng cử ghế Chủ tịch đã tuyên bố rút khỏi Ban trị sự và lôi kéo thêm một vài tờ báo còn do dự.
Cuộc vận động báo giới không thành do bị bọn địch phá hoại, nhưng những cuộc hội nghị đó có tiếng vang trong nhân dân nhất là giới trí thức. Qua cuộc vận động này, Đảng Cộng sản Đông Dương rút ra được một số kinh nghiệm về vận động đấu tranh.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004, tr. 76.
– Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành uỷ Hà Nội: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1982, t.1.
CUỐI NĂM
Thành lập Liên Xứ uỷ Bắc Kỳ – Trung Kỳ
Sau một thời gian bị khủng bố, phong trào cách mạng dần dần hồi phục. Năm 1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh bàn cách khôi phục Xứ uỷ Bắc Kỳ. Uỷ ban hành động làm nhiệm vụ khôi phục lại cơ sở cách mạng, củng cố tổ chức Đảng ở miền Bắc và liên lạc với các đồng chí cũ ở nhà tù về được thành lập ở Hà Nội. Uỷ ban hành động trên thực tế làm nhiệm vụ của Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Sau khi dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ ngày 2~8 đến ngày 4-9-1937), theo sự phân công của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo phong trào cách mạng ngoài Bắc. Đồng chí bắt tay ngay vào việc thành lập Liên Xứ uỷ Bắc Kỳ – Trung Kỳ (bao gồm các tỉnh Bắc Kỳ và ba tỉnh Trung Kỳ: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Cuối năm 1937, Hội nghị thành lập Liên Xứ uỷ Bắc Kỳ – Trung Kỳ khai mạc tại một ngôi nhà của đồng chí Tô Hiệu thuê ở phố Hàng Bột (Hà Nội). Hội nghị gồm có các đồng chí Tô Hiệu, Nguyễn Văn Minh, Đặng Việt Châu, Nguyễn Công Hoà. .. đại diện cho các tỉnh, thành ở miền Bắc và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh ở miền Trung. Hội nghị làm việc được một ngày thì chuyển sang địa điểm khác vì có nguy cơ bị lộ.
Hội nghị đề ra nhiệm vụ khôi phục và phát triển hệ thống tổ chức của Đảng từ Xứ uỷ đến các địa phương, đề ra biện pháp đấu tranh và các hình thức hoạt động động khai nửa công khai của Đảng. Tại Hội nghị, Ban Xứ uỷ Bắc Kỳ và Trung Kỳ được bầu ra gồm các đồng chí Thiết (Hoàng Văn Nõn tức Tú Hưu), Nguyễn Văn Minh, Tô Hiệu do đồng chí Thiết làm Bí thư.
Đến đầu năm 1938, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh không thuộc Liên Xứ uỷ Bắc – Trung Kỳ nữa. Trung Kỳ lập Xứ uỷ riêng trong đó có ba tỉnh trên.
– Những sự kiện lịch sử hoạt động của các xứ uỷ trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
TRONG NĂM
Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ định đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Xứ uỷ Nan Kỳ
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xử uỷ Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư, phong trào Đông Dương Đại hội phát triển sôi nổi mạnh mẽ khắp Nam Kỳ với 600 Uỷ ban hành động được thành lập. Những cuộc bãi công liên tiếp, dài ngày của công nhân Nam Kỳ nổ ra với quy mô và số lượng lớn có 5-6 vạn người tham gia.
Giữa lúc phong vào cách mạng đang phát triển, đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh nặng sau nhưng tháng năm bị địch giam cầm, tra tấn. Trước tình hình đó, Trung ương chỉ định đồng chí Võ Văn Tần giữ cương vị Bí thư Xứ uỷ, đồng thời bổ sung đồng chí Võ Văn Tần vào Trung ương.
Trong thời gian này, đồng chí Võ Văn Tần làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, nên có điều kiện thuận lợi để tiếp thu lý luận Mác – Lênin và đường lối cách mạng của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp xuống các tỉnh miền Đông, miền Tây để xây dựng và tổ chức lực lượng, lãnh đạo việc thành lập Mặt trận Dân chủ ở Nam Kỳ, vận dụng nhiều hình thức đấu tranh thích hợp, đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển lên một bước cao hơn, tiến tới chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
– Những sự kiện lịch sử hoạt động của các Xứ uỷ trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
– Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Noi gương những người cộng sản, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1974, t. 2. tr. 62.
TỪ NĂM 1937 ĐẾN NĂM 1939
Đấu tranh chống phái Tờrốtkít bảo vệ quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng
Trong những năm 1937-1939, phái Tờrốtkít hoạt động mạnh ở Sài Gòn – Chợ Lớn và một số tỉnh Nam Kỳ, gây khó khăn cho Đảng Cộng sản Đông Dương trong việc tập hợp lực lượng Mặt trận Dân chủ Dông Dương chống đế quốc.
Với những luận điệu “cách mạng tả”, “cách mạng triệt để”, phái Tờrốtkít hô hào “giai cấp tư sản Việt Nam là kẻ thù trực tiếp trước mắt của giai cấp công nhân”, những phần tử Tờrốtkít từ chỗ chống lại quan điểm, đường lối của Đảng ta, dần dần đi đến chỗ làm tay sai cho đế quốc Pháp.
Trung ương Đảng đã nhiều lần chỉ thị phải triệt để chống phái Tờrốtkít và chúng là trở ngại lớn nhất trong cuộc vận động quần chúng và mở rộng Mặt trận của Đảng. Trung ương Đảng nhắc nhở các cấp bộ Đảng, các đảng viên phải đi sâu vào quần chúng, chú ý từng lời nói, từng hành động của Tờrốtkít, vạch mặt chúng bằng những lý lẽ, chứng cứ xác thực để chống lại những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của chúng đối với Đảng, bảo vệ chân lý, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Đảng tổ chức đấu tranh chống Tờrốtkít bằng nhiều hình thức như ra sách, báo, dùng luận chiến, bút chiến và vận động quần chúng. Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ ra rằng: trong cuộc vận động quần chúng, phái Tờrốtkít là nguy hiểm nhất, không triệt để chống phái Tờrốtkít thì khó thi hành được chiến thuật lập Mặt trận Nhân dân chống phát xít và đế quốc chiến tranh. Đối với Tờrốtkít không thể có thoả hiệp nào, nhượng bộ nào, phải dùng mọi cách lột mặt nạ chúng, phải tiêu diệt chúng về chính trị.
Thi hành chủ trương của Đảng về chống phái Tờrốtkít, đảng viên công nhân và quần chúng cách mạng đã đấu tranh không khoan nhượng với chúng, dùng áp lực quần chúng tẩy chay, lột mặt nạ những phần tử Tờrốtkít. Một loạt các cuộc tẩy chay Tờrốtkít đã diễn ra. Trong cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn, những phần tử Tờrốtkít trà trộn vào quần chúng để chia rẽ, phá hoại, bị quần chúng vạch mặt; trong cuộc họp do đảng viên công khai hoạt động trong báo Dân chúng tổ chức, những phần tử Tờrốtkít chen vào diễn đàn nói xấu, xuyên tạc, bị quần chúng phản đối,… đuổi ra khỏi diễn đàn.
Cuộc đấu tranh chống phái Tờrốtkít diễn ra rất mạnh mẽ, khẳng định được lòng tin của quần chúng cách mạng đối với đường lối đúng đắn của Đảng và cô lập thế lực Tờrốtkít.
– Hoạt động của Trốtkít ở Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
TỪ NĂM 1937 ĐẾN NĂM 1938
Đấu tranh nghị trường ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ
Trong thời kỳ vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương tiếp tục mở rộng hoạt động công khai, hợp pháp qua các cuộc vận động bầu cử vào nghị trường thực dân.
Trung ương Đảng chủ trương: vô luận là cuộc tuyển cử gì, Đảng có thể tham gia được, là nên tham gia. Cần lợi dụng thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu cách mạng, phải lợi dụng các cơ quan gọi là dân cử mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các tầng lớp bị áp bức.
Vào thời gian vận động tuyển cử, phối hợp với báo chí công khai của Đảng, những ứng cử viên của Đảng lên tiếng chỉ trích chế độ bầu cử bất công, đòi thực hiện phổ thông đầu phiếu, đòi mở rộng quyền lực các cơ quan “dân cử”, chỉ trích các chính sách thực dân, phê phán thái độ của bọn “nghị gật”, bày tỏ nguyện vọng của dân. Đảng còn vận động một số thanh niên tiến bộ, tổ chức thành những đoàn đi về các khu phố, huyện, xã làm công tác tuyên truyền và vận động cho những ửng cử viên của Đảng. Những ứng cử viên của Đảng đã trúng cử vào các Viện Dân biểu Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Từ những diễn đàn hợp pháp đó, cuộc đấu tranh của các đại biểu tiến bộ phối hợp nhịp nhàng với phong trào đấu tranh của quần chúng trong các xí nghiệp, ngoài đường phố và nông thôn.
Trong cuộc bầu cử bổ sung vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ tháng 1-1937, Đảng đưa người của báo Le Travail ra tranh cử. Mặc dù nhà cầm quyền thực dân ra sức ngăn cản, gây khó khăn, nhưng ứng cử viên của Đảng trúng cử với số phiếu rất cao 802/1240 cử tri, hơn người của nhà cầm quyền 363 phiếu.
Đến cuộc bầu cử Viện Dân biểu Bắc Kỳ năm 1938, nhóm Tin tức (bộ phận hoạt động công khai của Đảng) liên lạc với nhóm Ngày nay và chi nhánh Đảng Xã hội Pháp ở Bắc Kỳ, hình thành Mặt trận Dân chủ, đưa ra chương trình tối thiểu và danh sách ửng cử. Bọn cầm quyền đưa ra thể lệ khắt khe, quấy rối, dùng tiền mua chuộc, nhưng Mặt trận Dân chủ vẫn giành thắng lợi lớn với 15 ghế trong Viện Dân biểu Bắt Kỳ.
Thắng lợi đáng kể nữa là cuộc tuyển cử Hội đồng Thành phố Hà Nội tháng 12-1938, số ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ đã trúng cử với số phiếu trung bình là 487 phiếu.
Trong cuộc tuyển cử Viên Dân biểu Trung Kỳ tháng 8-1937, Đảng Cộng sản Đông Dương liên lạc với những người tiến bộ trong giới trí thức, tư sản dân tộc, vận động họ ra ứng cử. Lúc này, Đảng đã phát hiện và lợi dụng được mâu thuẫn giữa hai phái trong quan lại Nam Triều, liên lạc với “phái 1884” (đòi trở lại Hiệp ước 1884), tranh thủ được một số trong phái đó, lôi kéo họ thống nhất hành động lên một số vấn đề trong đấu tranh nghị trường. Nhờ có sách lược mềm dẻo, Đảng giành thắng lợi lớn trong bầu cử; nhiều ứng cử viên của Mặt trận dân chủ trúng cử và giữ các chức vụ quan trọng trong Viện như Viện trưởng, Phó viện trưởng, Chánh thư ký, Uỷ viên thường trực.
Mặt trận dân chủ còn giành được thắng lợi trong đợt bầu cử vào Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương (9-1938). Hai dân biểu của Mặt trận, trong đó có đồng chí Phan Thanh, giành được số phiếu bầu cao nhất của Viện và trúng cử vào Hội đồng.
Thắng lợi vang dội nhất trong đấu tranh nghị trường là cuộc đấu tranh bác bỏ dự án tăng thuế ở Viện Dân biểu Trung Kỳ. Biết được ý đồ của địch, trước ngày Viện Dân biểu họp, Đảng chủ trương phát động phong trào quần chúng đấu tranh mạnh mẽ phối hợp với sự đấu tranh của các đại biểu của Mặt trận và những dân biểu cấp tiến ở Viện, chống lại dự án tăng thuế. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân nổ ra, các báo hợp pháp của Đảng đăng tin tức chống dự án tăng thuế của Chính phủ tạo nên một không khí sôi sục.
Trước sức ép mạnh mẽ đó, ngày 16-9-1938, Viện Dân biểu Trung Kỳ phải thông qua nghị quyết bác bỏ dự án tăng thuế của Chính phủ thực dân.
Sử dụng những khả năng hợp pháp để hoạt động tại Viện Dân biểu ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, trong Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương… là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong việc sử dụng những phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp và vì thế, đã giành được thắng lợi lớn.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên – Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên – Huế(1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. I.
– Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004.
– Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành uỷ Hà Nội: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1982, t. 1.
– Dương Trung Quốc: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919 – 1945), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
___________
1. Liên Tỉnh ủy C gồm: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình.
2. Luật Lao động năm 1884 do thực dân Pháp ban hành ở chính quốc có nới rộng cho cả người lao động ở thuộc địa.
3. Phan Văn Đạt sau đó thoái hóa, khai báo.
4. Vì nghi ngờ Đinh Văn Di lúc này là Bí thư Liên Tỉnh ủy Thanh – Nghệ – Tĩnh là AB, cho nên đồng chí Hà Huy Giáp không giới thiệu cho hắn biết cơ sở và Chi bộ Đảng do đồng chí phụ trách.
5. Có ý kiến nói là Hội quán thể thao (gần Câu lạc bộ quốc tế) và hội nghị này bị cấm.